I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Đừng bỏ qua giấc ngủ ngắn buổi trưa, đôi khi chỉ cần chợp mắt 10 phút thôi cũng đủ mang lại vô vàn lợi ích” trích từ báo Sức khỏe và gia đình.
http://www.suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/dung-bo-qua-giac-ngu-ngan-buoi-trua-doi-khi-chi-can-chop-mat-10-phut-thoi-cung-du-mang-lai-vo-van-loi-ich-30250/
Các nghiên cứu đã cho biết một số lợi ích đáng ngạc nhiên của một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa mà bạn có thể thực hiện.
1. Tăng cường trí nhớ. Trong một nghiên cứu, những người tham gia giấc ngủ ngắn buổi trưa thường xuyên trong khoảng thời gian 10, 20 và 30 phút đã cải thiện hiệu suất trong các bài kiểm tra nhận thức về trí nhớ. Trong khi những người ngủ trưa hơn 20 phút chịu đựng sự mệt mỏi, những người chỉ chợp mắt 10 phút đã có một sự gia tăng hiệu suất ngay lập tức. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những phát hiện tương tự. Giấc ngủ ngắn buổi trưa giúp cải thiện trí nhớ đáng kể.
2. Giảm huyết áp. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine, Mỹ cho thấy “thói quen ngủ trưa” có liên quan đến việc giảm 37% tỷ lệ tử vong do mạch vành, có khả năng do giảm căng thẳng tim mạch liên quan đến giấc ngủ ban ngày. Họ kết luận rằng sự giảm huyết áp này có thể là lý do tại sao tỷ lệ tử vong do mạch vành thấp hơn ở những người ngủ trưa.
3. Làm dịu thần kinh. Một nghiên cứu của Đại học California – Berkeley, Mỹ phát hiện ra rằng một giấc ngủ ngắn 90 phút có thể giúp bạn bình tĩnh. Khi những người tham gia nghiên cứu được cho xem những khuôn mặt biểu lộ sự tức giận, sợ hãi và hạnh phúc vào buổi trưa, và sau đó một lần nữa vào lúc 6 giờ tối. Họ nhận thấy rằng các đối tượng buồn bã hơn đáng kể bởi những khuôn mặt giận dữ và sợ hãi vào cuối ngày, tuy nhiên những người ngủ trưa 90 phút không gặp phải tình trạng này.
4. Cải thiện sự tỉnh táo. Một nghiên cứu của NASA về các phi công quân sự và phi hành gia buồn ngủ cho thấy rằng một giấc ngủ ngắn 40 phút cải thiện hiệu suất 34% và sự tỉnh táo 100 %. Mặc dù bạn không phải là phi hành gia, nhưng tổ chức này khuyên bạn nên chợp mắt nhanh trước khi lái ô tô để giảm nguy cơ tai nạn khi lái xe trong tình trạng buồn ngủ.
5. Tăng cường ý chí. Ý chí thường lên cao nhất vào buổi sáng khi não bộ vừa được sạc năng lượng và mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn khi bạn mệt mỏi. Khi bạn thiếu ngủ, bộ não sẽ gặp khó khăn trong việc bỏ qua sự phân tâm và kiểm soát các xung động. Các chuyên gia khuyên bạn nên có một giấc ngủ ngắn để nạp lại năng lượng vào giữa ngày để đảo ngược tình trạng suy giảm ý chí. Bên cạnh đó, một giấc ngủ ngắn còn giúp làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và phục hồi sự tập trung.
Mặc dù lợi ích của giấc ngủ ngắn là rất nhiều, nhưng không phải ai cũng dễ dàng chìm vào giấc ngủ vào giữa ngày. Đối với những người này, thậm chí chỉ cần nghỉ ngơi yên tĩnh hoặc thiền định cũng có thể làm nên điều kỳ diệu. Các bài tập thở đơn giản như thở chậm và đếm nhịp thở hoặc hít vào khi đếm ba và thở ra đếm sáu giúp làm chậm hoạt động của não và mang lại khả năng phục hồi.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Đừng phí hoài tuổi trẻ.
- Điện ảnh những dấu ấn thời gian.
ĐỪNG PHÍ HOÀI TUỔI TRẺ
Mới mùa xuân chớp mắt một cái đã sang đông, tuổi trẻ cũng vậy, chớp mắt một cái đã đi đến tuổi già. Cho nên chúng ta phải sống làm sao thật sự hữu ích, khi còn tồn tại có thể người khác sẽ không biết bạn là ai nhưng khi chết đi hãy để mọi người biết đến bạn để nhận thấy sự tồn tại của bạn trên cõi đời này không phải là vô ích, tuổi trẻ sẽ không bị phí hoài.
Tập hợp những câu chuyện nhỏ, quyển sách “Đừng phí hoài tuổi trẻ” của tác giả Nguyễn Anh Dũng sẽ đem đến cho các bạn trẻ những lời khuyên để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Sách do Nxb. Thế giới xuất bản năm 2020 với 161 trang gồm những bài viết rất hữu ích dành riêng cho tuổi trẻ, giúp các bạn có được sự cân bằng ở lứa tuổi có nhiều chông chênh giữa những khát vọng của ước mơ và cảm xúc của tâm hồn.
Câu chuyện “Tiền bao nhiêu mới đủ” sẽ giúp bạn đọc nhận ra: Chỉ cần bạn theo đuổi đam mê, làm công việc mà mình yêu thích, tiền sẽ tự động rơi xuống đầu bạn. Đừng bao giờ tìm kiếm thành công vì danh vọng và tiền bạc; tài năng và đam mê nằm trong thành công mới đáng quý.
Câu chuyện “Khoan dung cho chính mình” bạn sẽ rút ra được bài học: Đối với những chuyện nhỏ nhặt đừng để tâm quá nhiều, tha thứ được thì cứ tha thứ, khoan dung được thì hãy khoan dung, để tình cảm còn lại đặt trên tâm tư của những người chúng ta thật sự yêu thương.
Ở câu chuyện “Số phận của những con tàu” giúp chúng ta hiểu được rằng: Đôi khi lùi lại có thể là một quyết định tốt cho bản thân và người thân của mình. Lùi lại không có nghĩa là bạn thua cuộc, bạn chỉ thỏa hiệp với mọi người, nhún nhường một bước và để thời gian chứng minh bạn không chỉ bước được hai bước mà là vô số bước.
Hay câu chuyện “Đời thay đổi chỉ khi ta thay đổi” dạy ta những điều vô cùng ý nghĩa: Trong tất cả mọi việc, dù cho mang tính chất thương mại hay nghệ thuật thì mỗi khía cạnh đều có ý nghĩa riêng của nó. Bạn đừng nên khinh thường một cái nào hết mà phải làm việc bằng tất cả tâm tư của mình dù là công việc bình thường nhất. Và còn rất nhiều câu chuyện, bài viết giúp chúng ta có được những bài học ý nghĩa để suy ngẫm và vận dụng vào cuộc sống.
Quyển sách “Đừng phí hoài tuổi trẻ” là một hành trang tuyệt vời dành cho những bạn đọc trẻ, động viên tuổi trẻ phải sống hết mình cho những khoảnh khắc của thực tại và đừng quên trau dồi tri thức, kỹ năng để thực hiện những ước mơ của mình. Bởi lẽ, bông hoa chỉ đẹp khi thắm sắc đượm hương và đời người chỉ đẹp khi thanh xuân trọn vẹn.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số Ký hiệu phân loại: 158.1 / Đ556PH
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059171; ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.011957; MH.011958
ĐIỆN ẢNH NHỮNG DẤU ẤN THỜI GIAN
Ngày 15 tháng 3 năm 1953, từ chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 147 thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”. Từ đó đến nay, điện ảnh Việt Nam đã khẳng định vị trí và vai trò của mình trong đời sống văn hóa dân tộc, đã phục vụ hàng triệu người xem phim trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, thu hút đông đảo khán giả nhiều nước trên thế giới trong các cuộc giao lưu văn hóa, trong các liên hoan phim quốc tế và khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế bằng nhiều giải thưởng với các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nghệ thuật, giá trị về nội dung mang đậm tính nhân văn cao cả và bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhằm ghi lại những phát triển của điện ảnh Việt Nam qua nhiều giai đoạn, những thành công và khó khăn của phim, cũng như tài năng của những diễn viên điện ảnh đã tạo nên những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao qua thời gian, Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh đã viết quyển sách “Điện ảnh những dấu ấn thời gian” được Nxb. Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 2006.
Sách dày 383 trang gồm 2 phần:
Phần một với các viết như: Cái nôi của dòng phim nghệ thuật; Lớp quay phim vỡ lòng ngày ấy; Chiến dịch Hồ Chí Minh - Chúng tôi làm phim Thành phố lúc rạng đông; Trà Giang và những cuộc hành hương sau 30 năm; Hà Nội - 12 ngày đêm trở dạ; Cảm xúc và sáng tạo; “Em bé Hà Nội và cuộc hành trình 25 năm; Từ những cái nhìn của một đạo diễn Mỹ - Phillip Noyce; ... Trong đó, bộ phim “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm” được tác giả dành nhiều trang viết như: Nhân vật và cuộc đời; Thâm nhập thực tế Vĩnh Linh; Diễn viên và nhân vật; Dàn dựng - bối cảnh - tạo hình; Lâm Tới trong vai Trần Sùng; Trà Giang - diễn viên điện ảnh có đẳng cấp quốc tế; ... cho thấy được những chặng đường nghệ thuật để tạo nên một bộ phim có giá trị vượt thời gian, có ảnh hưởng lớn đến bạn bè quốc tế trong cái nhìn về điện ảnh Việt Nam.
Phần hai là các bài viết như: Đạo diễn Hồng Sển - một tài năng nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam; nghệ sĩ và nhân vật Lâm Tới trong phim “Cánh đồng hoang”; “Mùa gió chướng” - mùa gió đang lên; Như Quỳnh - một nét đẹp dân tộc và hiện đại; Lê Vân - Những bước đi của hoàng hậu; “Điện Biên Phủ” và hồi ức của người đạo diễn già 85 tuổi; Nhìn sâu vào một tác phẩm đoạt hai giải vàng quốc gia và quốc tế “Đời Cát”; Từ “Thung lũng hoang vắng” đến kinh đô Hàn Quốc - Seoul; Qua hai bờ đại dương, thế hệ điện ảnh trẻ Việt Nam tự khẳng định; ...
Riêng ở bài “Thử bàn về một số phong cách, màu sắc trong phim truyện Việt Nam”, tác giả đã nêu nhận định về phim truyện Việt Nam giai đoạn 1959 - 1999: “Từ quy mô sản xuất đơn giản của thể loại phim thời sự, tài liệu buổi ban đầu, chúng ta đã có thể xây dựng một loại hình nghệ thuật phức tạp một cách chính quy, một công nghệ điện ảnh khép kín từ các khâu văn học, nghệ thuật cho đến khoa học kỹ thuật, là một điều kỳ diệu mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng làm được... Qua hàng trăm bộ phim, các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã có nhiều sáng tạo nghệ thuật và đã tạo ra những phong cách khác nhau. Sự công nhận và khẳng định đó đã vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia, đã ghi dấu ấn trên một loạt các giải thưởng có giá trị nghệ thuật cao, trong các liên hoan phim quốc tế như Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm; Con chim vành khuyên; Mối tình đầu; Đến hẹn lại lên; Hồi chuông màu da cam; Em bé Hà Nội; Đường về quê mẹ; Hai người lính; Kim Đồng; Bao giờ cho đến tháng mười; Cỏ lau; Thương nhớ đồng quê; Trừng phạt; Cây bạch đàn vô danh; Giải hạn; Ngã ba Đồng Lộc...”.
Là thế hệ đi trước có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà, tác giả cũng đã bày tỏ: “Nhìn lại một chặng đường, điện ảnh Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức lớn lao trên con đường phát triển và tồn tại của mình. Điều làm cho chúng ta còn niềm tin và hy vọng là, trong muôn vàn khó khăn đã xuất hiện một đội ngũ nghệ sĩ trẻ, được đào tạo chính quy. Học vấn và trí tuệ của họ cho phép cảm nhận một thế giới hài hòa, với tinh thần vị tha, cởi mở, biết vượt qua quá khứ để đến với tương lai”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Điện ảnh những dấu ấn thời gian” để hiểu hơn về lịch sử điện ảnh Việt Nam, từ đó có thể biết rồi tìm xem những bộ phim hay có giá trị vượt thời gian của điện ảnh nước nhà và sẽ có được những cảm nhận của riêng mình.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số Ký hiệu phân loại: 791.4 / Đ305A; ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.035806; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.004251; MG.004252
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tôi - đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh: Tự hào khi là đoàn viên” của Tân Tấn trích từ báo Thanh niên https://thanhnien.vn/gioi-tre/toi-doan-vien-tncs-ho-chi-minh-tu-hao-khi-la-doan-vien-898465.html
Hành trình theo con chữ buộc tôi phải khoác lên hai chữ 'đoàn viên'. Ngày ấy, tôi chẳng mấy hào hứng. Nhưng rồi, một cô gái với thân hình mảnh mai mời gọi tôi lên đường tham gia chiến dịch Mùa hè xanh. Cô gái nhỏ nhắn nhưng hừng hực lửa, đã thôi thúc tâm tưởng tôi một lần khám phá những vùng đất hẻo lánh, nơi mà tôi nghĩ là tận cùng của sự nghèo nàn. Tôi và cô chỉ là bạn mới quen nhưng sự nhiệt huyết trong cô đã khiến đôi chân tôi không thể do dự.
Rồi, chúng tôi lên đường vào một ngày đầu hè mát dịu. Nhiệm vụ của chúng tôi khi đó là giúp các trẻ nhỏ vùng cao có mùa hè trọn vẹn, giúp các em hiểu hơn về sự học; tô điểm cho những căn nhà xiêu vẹo trở nên khang trang, chắc chắn; cải thiện môi trường xanh - sạch - đẹp...
Sau khi nhập cuộc vào công việc, tôi hơi ái ngại bởi chưa một lần động tay tới những thứ đó. Nhưng nhìn đồng đội lăn xả vào ngồn ngộn công việc, lòng tôi lại nôn nao. Tôi thử dạy các đứa trẻ cách đọc một cuốn sách thật nhanh, tôi thử cầm chiếc cuốc phát quang những bụi rậm, tôi thử cầm miếng ngói đỏ leo lên từng nấc thang để lợp... khoảnh khắc ấy tôi thấy mình thật giỏi và xứng đáng để gọi là thanh niên tình nguyện.
Những ngày sau, tôi càng xông xáo hơn, làm không thấm mệt. Bởi sự mệt kia đã bị lu mờ trong tiếng nô đùa vui vẻ của trẻ nhỏ, bị lu mờ bởi nụ cười trên gương mặt khắc khổ của đồng bào nơi đây. Kết thúc chuyến đi, nhìn thành quả của chúng tôi để lại, đồng đội tôi ai cũng rộ lên một niềm hân hoan thầm kín.
Lần đó là một học kỳ thiện nguyện của chàng tân binh, là chuỗi ngày tôi dấn thân đi cống hiến sức trẻ của mình. Và cũng nhờ đó, cuộc sống tôi đã rẽ sang trang khác, giúp tôi hiểu được giá trị của việc làm tình nguyện, giúp tôi có cái nhìn khác đi về việc trao yêu thương. Từ đó, tôi trở nên năng nổ ở mọi hoạt động. Tôi hiểu ra giá trị của thế nào là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, nếu không có hai chữ “đoàn viên” thì tôi sẽ giam cầm bản thân trong căn gác trọ buồn tẻ đến bao giờ.
Vậy tại sao bạn không thử một lần khoác trên vai màu áo Đoàn để tìm kiếm luồng gió mới.
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.