CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 07 (tháng 02/2023)

Thứ tư - 01/02/2023 19:50 933 0
Phát thanh Văn hóa đọc và cuộc sống
Phát thanh Văn hóa đọc và cuộc sống
                                                                                                                                
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 07 (tháng 02/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài “Chọn sách cho con theo lứa tuổi” được đăng trên trang Giadinh.net

Ngay từ khi bé mới chào đời, bạn đã có thể đọc sách cho bé nghe. Sách giúp khơi gợi óc sáng tạo cũng như trí tưởng tượng của trẻ, giúp trẻ tiếp cận với thế giới, con người xung quanh, cung cấp kho từ vựng và giúp hoàn thiện ngôn ngữ. Để tìm những loại sách và cách đọc phù hợp với độ tuổi của bé, bạn có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ Như Huỳnh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) dưới đây.

Trẻ nhỏ: Từ 0 đến 18 tháng
Một điều thú vị là bé có thể đọc sách ngay từ lúc mới sinh. Với những em bé mới chào đời, bạn có thể đọc cho bé nghe trong lúc cho ăn hoặc trong khi chăm sóc bé. Thật ra ở độ tuổi này, điều quan trọng là thời gian bạn ở bên cạnh chơi đùa và đọc sách với con, hơn là nội dung quyển sách nói những gì. 
Khi bé lớn thêm một chút, cha mẹ có thể đọc cho con mỗi ngày, nên chọn loại sách có màu sắc tươi tắn, những hình vẽ đơn giản và giữ được lâu.

Trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi: 18 tháng - 3 tuổi
Thời kỳ này, trẻ bắt đầu hứng thú tìm hiểu thế giới xung quanh, chúng bắt đầu biết được nhiều từ ngữ, bập bẹ những câu thơ, bài hát. Bạn có thể cùng đọc sách với con, giải thích cho trẻ nội dung câu chuyện. Trẻ ở lứa tuổi này có thể xem một cuốn sách thật nhiều lần, sự lặp lại này cũng là một phần trong quá trình học hỏi của trẻ. Do đặc điểm trẻ có thời gian tập trung chú ý còn ngắn nên sách chọn cho con cần ngắn gọn, đơn giản, có nhiều tranh vẽ. Nên chọn quyển sách khổ lớn với một nhân vật chính xuyên suốt, nội dung dễ hiểu, có kết thúc rõ ràng.

Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo: 3-6 tuổi
Giai đoạn này, trẻ đã dần học được kỹ năng đọc qua việc quan sát cách cha mẹ đọc sách cho mình, trẻ cũng bắt đầu hiểu được ý nghĩa của một số biểu tượng trên sách. Bé sẽ thích thú tham gia vào việc đọc sách trực tiếp với cha mẹ bằng cách đòi được lật các trang sách, đặt câu hỏi và đưa ra lời nhận xét về nội dung. Trong thời kỳ này, sách sẽ là công cụ hữu hiệu để cha mẹ có thể dạy trẻ kiến thức cơ bản như hình dáng, kích thước, màu sắc. Ngoài ra, trẻ có thể đặt những câu hỏi thắc mắc về thời tiết, con người, động vật, thực vật. Vì thế bạn nên chọn cho con loại sách có nhiều tranh ảnh động vật, thực vật, con người, thế giới tự nhiên.

Trẻ ở độ tuổi đi học: 6-9 tuổi
Trẻ ở lứa tuổi này bắt đầu học được từ mới, các khái niệm mới mỗi ngày và có thể bắt đầu tự đọc sách một mình. Giai đoạn này cần chọn loại sách phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ. Nếu cha mẹ đánh giá quá cao khả năng đọc sách của bé mà chọn loại sách “cao siêu” thì có thể làm trẻ chán nản, không thích đọc sách nữa. Những “bạn đọc nhí” này thích hợp với sách, truyện có câu chữ đơn giản, mạch chuyện rõ ràng. Khi trẻ càng lớn, sự ham thích đọc sách của trẻ sẽ càng tăng. Chúng thích những quyển sách miêu tả.

Trẻ lớn: 9-12 tuổi
Trẻ ở lứa tuổi này đã có những hiểu biết nhất định về xã hội, con người và thế giới xung quanh. Chúng không còn thích những câu chuyện với nhân vật có tính cách đơn giản, những quyển sách có kết thúc dễ đoán nữa. Trẻ sẽ thích đọc sách có nội dung phức tạp, có chiều sâu và đòi hỏi phải suy nghĩ. Cha mẹ có thể chọn cho trẻ loại sách phiêu lưu mạo hiểm, khoa học viễn tưởng. Trẻ cũng có thể đọc những quyển sách về cuộc đời các nhà khoa học, danh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao, anh hùng dân tộc.

Để trẻ ham đọc sách, bạn có thể dạy con thói quen đọc qua các cách sau:
- Thói quen nhắn tin: Thường xuyên ghi ra giấy hay ghi lên bảng những thông điệp dành cho trẻ như: những ghi chú nhỏ, tin nhắn hoặc lời nhắc nhở, bảo trẻ đọc và nếu cần thiết hãy bảo trẻ trả lời. Điều này không chỉ rèn luyện kỹ năng đọc mà còn cả kỹ năng diễn đạt suy nghĩ ở trẻ nữa.
- Trò chơi ô chữ: Những trò chơi đố chữ, xếp chữ cũng sẽ giúp trẻ nâng cao kỹ năng đọc của mình đồng thời biết cách vận dụng câu chữ vào đời sống. Nếu bạn không có thời gian sáng tạo ra những ô chữ thì hãy tham khảo ở cuốn sách hướng dẫn. Có rất nhiều loại cho bạn lựa chọn. Những ô chữ cần phải chứa đựng thông tin ngắn gọn và súc tích.
- Khuyến khích nhiều hoạt động liên quan đến đọc: Bạn hãy làm cho việc đọc chữ trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của con. Bạn hãy cho con đọc thực đơn nhà hàng, các hướng dẫn trò chơi, bản tin thời tiết, giờ chiếu phim, biển hiệu và tất cả thông tin hàng ngày khác. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo rằng trẻ luôn có một thứ gì đó để đọc trong thời gian nhàn rỗi như khi bé đợi bạn hoặc trong khi đang ngồi trên xe hơi. 

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Những dấu hiệu của một tình yêu chân thành và sâu sắc” được đăng trên trang  kienthuc.net.vn

Đôi khi tình yêu thật sự không cần nói ra mà nửa kia vẫn thấu hiểu và tin tưởng bạn. Liệu bạn đã có một tình yêu thật sự hay chưa? Dưới đây là những dấu hiệu cơ bản nhất của một tình yêu chân thành.

Không cần phô diễn mà vẫn sâu sắc
Hạnh phúc là điều được kết tạo từ tình yêu thật sự. Khi yêu, chúng ta đều muốn có một niềm hạnh phúc trọn vẹn, không chỉ cho riêng mình mà cho cả người bạn yêu thương.
Nhưng không phải tất cả các đôi yêu nhau đều có thể nắm giữ hạnh phúc, bởi đó có thể chỉ là tình yêu ngộ nhận, tình yêu nhất thời… Hãy nhớ, một tình yêu chân thành là không cần phô diễn cho người khác thấy, mà hai người vẫn cảm nhận được sâu sắc tình yêu của mình.

Thấu hiểu nhau
Để hiểu mình, hiểu người, chúng ta cần chân thành, trung thực với chính bản thân mình và và người mình yêu, cần xác định xem mong muốn và nguyện vọng của mình với đối tác có hợp tình, hợp lý không. Tình yêu chân thành, thấu hiểu sẽ không bao giờ khiến cho ai tổn thương mà luôn vì nhau.

Biết hờn, ghen, giận dỗi… nhưng cũng biết thứ tha
Tình yêu phải có nhiều gia vị thì mới tạo cảm giác rằng mình đang yêu, phải không? Buồn, vui, giận hờn là những gia vị không thể thiếu trong tình yêu. Vì khi yêu, chúng ta sẽ suy nghĩ nhiều hơn, trưởng thành hơn hoặc cũng có thể trẻ con hơn, yêu đời hơn…
Đây cũng giống như một chiếc bánh xe muốn quay đều và không bị trượt ngã thì phải có những khoảng lồi, lõm và tình yêu cũng thế. Nhưng, đừng quên gia vị quan trọng để nhận biết được một tình yêu thật sự, đó là thứ tha. Hãy nhớ, nếu đánh mất tình yêu chỉ vì thiếu mất sự thứ tha thì đó không phải là tình yêu thật sự.

Càng cho nhiều, càng có nhiều
Nhiều khi chúng ta cứ chấp nhận một lý thuyết: “Yêu là cho mà không mong nhận lại!”, điều này đúng nhưng đối với một tình yêu thật sự, bạn càng cho nhiều thì càng nhận lại được những yêu thương.
Bởi nếu yêu nhau thật sự, hai người sẽ không muốn người yêu mình phải chịu bất cứ thiệt thòi nào, không muốn người yêu mình phải buồn, phải đau khổ hay gặp điều không hay… Vì thế, hai người sẽ luôn chú ý, quan tâm nhiều thật nhiều tới nửa kia để bù đắp những chỗ thiếu sót của người yêu mình.

Cho đi tình yêu thương càng nhiều thì sẽ nhận lại được càng nhiều, hơn cả tình yêu, đó là sự quan tâm, chăm sóc, hy sinh… chính là dấu hiệu của một tình yêu thật sự.
Đọc/nghe xong những điều trên, bạn có nghĩ mình đang nắm giữ một tình yêu thật sự?

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau:
1. Quyển sách “Tìm hiểu về các đảo thuộc quần đảo Trường Sa” do Tâm Anh biên soạn, Nxb. Dân trí xuất bản năm 2021. Qua 210 trang, sách giúp bạn hiểu hơn về từng cụm đảo, hòn đảo trong quần đảo Trường Sa rộng lớn. Mỗi hòn đảo là một vị trí chiến lược quan trọng không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Từ đó quyết tâm gìn giữ và bảo vệ, phản đối mạnh mẽ những hành động xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đồng thời có những đóng góp thiết thực nhằm chứng minh cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số 320.109597 / T310H. ▪ Phòng mượn: MA.026093; MA.026094. ▪ Phòng đọc tổng hợp: DV.061260

2. Quyển sách “Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam” do TS. Trần Thị Thơm biên soạn, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2022 với 191 trang là tài liệu nghiên cứu có hệ thống, góp phần khẳng định giá trị hiện thời về quan niệm đạo làm người qua tục ngữ, ca dao. Sách gồm ba chương trình bày khái niệm tục ngữ, ca dao Việt Nam, khái niệm đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam; đặc điểm và cơ sở hình thành đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam,… Tiếp đến đi sâu phân tích những nội dung cơ bản của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thể hiện qua các mối quan hệ giữa con người với bản thân, giữa con người với gia đình và giữa con người với xã hội. Từ đó, nêu bật ý nghĩa của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc cũng như với việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội ở Việt Nam hiện nay. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phuc vụ bạn đọc với mã số 170.9597 / Đ108L.  Phòng đọc Tổng hợp: DV 61817; Phòng Mượn: MH 14131

3. Quyển sách “Kỹ năng mới trong tầm tay” của tác giả Peter Hollins, do Hoàng Huấn dịch, Nxb. Lao động Xã hội xuất bản 2021. Sách dày 185 trang  giúp bạn biết cách vận dụng toàn bộ sức mạnh trí óc và sức lực của mình để đạt được những kỹ năng hữu ích trong đời sống qua các nội dung được trình bày gồm: Học hỏi và nhanh chóng đạt được kỹ năng; Hiện thực hóa những kỳ vọng; Lập kế hoạch học tập; Tìm kiếm hình mẫu lý tưởng; Nhận định môi trường học tập; Luyện tập và thay đổi quyết liệt; Biến ý kiến phản hồi thành những điều hữu ích; Xếp chồng kỹ năng để bổ sung chúng trong quá trình sử dụng; Chiến thuật nhanh chóng đạt được kỹ năng. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ với mã số 374 / K600N. Phòng mượn: MA.026105; MA.026106; ▪ Phòng đọc tổng hợp: DV.061265

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn

Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây