CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 09 (tháng 4/2023)
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 9 (tháng 4/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe “Những bí quyết giúp trẻ đến tuổi đi học học cách đọc” đăng trên trang vietnamnet.vn được chúng tôi tóm lược nội dung chính.
Một khi trẻ bắt đầu đi học, trẻ được dạy không chỉ những chữ cái cơ bản mà còn học những chữ ghép phức tạp như “ch”, “tr”, “in” “ong”. Chúng sẽ mang sách đọc về nhà, đọc theo và học thuộc lòng một bộ những từ quan trọng. Trẻ có thể làm việc này như một chú vịt tập bơi dưới nước và cần nhiều sự giúp đỡ của bạn để khuyến khích tinh thần.
Giúp trẻ đọc cái gì trẻ đang học. Điều bạn nên ghi nhớ là đừng ngại khó khăn, đừng lo lắng trẻ thua sút bạn cùng lứa tuổi, hãy giữ vững tinh thần và kiên trì giúp trẻ học đọc. Bởi thực tế không có hai trẻ nào cùng học đọc với cùng tốc độ và nhịp điệu như nhau. Phương pháp được yêu thích nhất là (một dạng của) ngữ âm học – giải mã từ ngữ bằng âm thanh qua các âm ký tự khác nhau chúng chứa đựng. Hãy cố gắng ghi nhớ điều này trong đầu khi bạn lắng nghe con bạn đọc tại nhà: Nếu trẻ gặp khó khăn khi đọc từ “chó”, ví dụ vậy, có thể có cách hữu ích hơn để nói “Chúng ta đọc từ Chó nào: ch-o-‘”. Thay vào đó là “Nó bắt đầu bằng chữ ch và phát âm gần giống với từ Nó”.
Hãy xem qua bìa sách trước. Bởi vì xác suất lớn là cuốn sách có hình gì ở bìa thì bối cảnh nội dung xoay quanh về nó. Ví dụ trẻ sẽ phát hiện và thốt lên: "Ồ, đây là cuốn sách nói về một chú chó con”. Nắm bắt thông tin đó, bất kỳ ai cũng cảm thấy đọc sách dễ dàng hơn, trẻ cũng vậy.
Cho trẻ thời gian để nhìn hình trong sách. Ngay từ lúc nhỏ, con bạn đã biết rằng những manh mối trong truyện nằm ở hình ảnh. Vì vậy, hãy để chúng được nhìn ngắm những trang sách trước khi trẻ tự đọc chữ được.
Nói về cốt truyện. Hãy kiểm tra xem trẻ có hiểu chúng đang đọc cái gì không hay là chỉ nhắc lại như vẹt những âm tiết trẻ ghi nhớ lại. Hãy hỏi trẻ rằng chúng nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và đến đoạn cuối, hỏi trẻ thích hoặc không thích và tại sao.
Đừng chê bai một phán đoán tốt. Ví dụ, câu văn là “Tôi dùng khăn vải để lau mặt”, và trẻ đọc thành “Tôi dùng khăn vải để rửa mặt”.
Câu đó hơi sai một chút nhưng là một sự phán đoán tốt, bởi vì trẻ nghĩ đến nghĩa của câu (Và bạn chỉ cần nhẹ nhàng nói là “Gần đúng. Nhưng từ lau bắt đầu bằng chữ ‘l’ đúng không?”). Có trẻ sẽ đoán là “Tôi dùng khăn vải để rửa mặt” do trẻ nhìn từ và chỉ đọc đúng nguyên âm sau nhưng lại không đoán đúng nghĩa của câu.
Duy trì việc đọc từng đoạn ngắn. Mười phút là tối đa và đừng nghĩ đến chuyện đọc nếu như trẻ đang đói, mệt hay buồn.
Giúp trẻ học những từ quan trọng. Một vài từ khá phổ biến, trẻ chỉ cần nhìn chữ học thuộc bằng cách nghe chứ không cần đánh vần.
Tìm sách trẻ thích. Chọn những cuốn sách về những gì chúng thích thú hoặc làm chúng cười nghiêng ngả. Hãy bỏ đi những truyện vỡ lòng nhàm chán khó đọc, những bài thơ thô và cốt truyện ngớ ngẩn.
Duy trì việc đọc với trẻ. Hãy đọc những cuốn sách vải rực rỡ, những câu chuyện tưởng tượng đầy kích thích, truyện cổ tích nhẹ nhàng. Hãy để trí tưởng tượng của trẻ điền vào những điều tuyệt vời để tăng cường thêm mối liên kết giữa đọc và yêu thích đọc.
Mỗi đứa trẻ xứng đáng khám phá toàn bộ thế giới mà trẻ mong muốn từ sách vở, những gì bạn cần làm là mở ra cánh cổng để trẻ bước vào.
II. NHỊP CẦU TRI THỨC
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài “Làm theo tấm gương của Bác: Không ngừng đọc sách để nâng cao kiến thức” do chúng tôi tổng hợp.
Văn hóa đọc ngày nay đã trở thành nhu cầu hết sức cần thiết trong thời đại khoa học, kĩ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay. Đọc sách báo để nâng tầm nhận thức, nâng cao sự hiểu biết những sắc thái chuyển biến của xã hội. Đọc sách để thu nạp kiến thức, vận dụng vào cuộc sống đồng thời đọc sách cũng là cách để được nuôi dưỡng tâm hồn. Việc học tập không chỉ có ở các trường học mà mỗi người có thể tự học bằng cách bổ sung kiến thức qua sách, báo hay học qua bạn bè, đồng nghiệp để đáp ứng công việc và không bị tụt hậu. Mỗi ngày chúng ta sẽ tiến bộ hơn nếu tự học, và đọc được nhiều thông tin, kiến thức bổ ích.
Sinh thời, Bác Hồ chính là tấm gương sáng ngời về ý thức tự học và đọc sách là điều Bác rất yêu thích. Có rất nhiều câu chuyện để chúng ta hiểu hơn về hình ảnh Bác Hồ luôn luôn dành thời gian để đọc, trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Hồ Chủ tịch đã nói: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Ấy vậy mà chúng ta luôn thấy hình ảnh một người xuất hiện với sự hiểu biết vô cùng sâu sắc về mọi phương diện. Nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”. Đạt được tầm hiểu biết ấy là nhờ Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập, đọc các loại sách, báo.
Từ tấm gương của Bác chúng ta đã rút ra bài học đó là học không phải chỉ có kiến thức ở trường học là đủ mà chúng ta cần phải dành nhiều thời gian cho việc đọc sách để bổ sung kiến thức, vận dụng vào cuộc sống. Bởi lẽ, mỗi một ngày xã hội đã có sự biến chuyển mới, một giờ, một phút đã có bao điều mới lạ diễn ra, nên chúng ta cần cập nhật kiến thức cho bản thân để không bị lạc hậu với sự phát triển đó.
Xã hội hiện nay đang bắt đầu có nhiều doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nhìn người bằng năng lực làm việc chứ không hẳn chỉ là bằng cấp. Do đó, kiến thức cần phải được cập nhật thường xuyên và vận dụng ngay. Vì thế, các bạn trẻ hãy nâng cao ý thức tự học, siêng đọc sách bổ sung, cập nhật tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để bắt kịp sự đổi mới nhanh chóng của xã hội ngày nay.
* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau:
1. Quyển sách “Lạc Việt sử ca” của tác giả Lê Gia, do Nxb. Trẻ đã xuất bản năm 2003 với 275 trang, gồm 2 phần: Tìm hiểu lịch sử Việt Nam thời Thượng cổ (18 đời vua Hùng Vương) và tác phẩm "Lạc Việt sử ca " ghi lại những sự kiện chính yếu của dân tộc Lạc Việt, dòng dõi Lạc Long và Âu Cơ (nguyên dòng Âu Việt) đứng đầu Bách Việt xưa.
Trong đó, tác phẩm “Lạc Việt sử ca” của tác giả Lê Gia được xem là bản diễn ca lịch sử bằng thể văn vần lục bát (6-8) để diễn tả sự việc, góp phần cho người đọc, nhất là các em nhỏ dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ về cội nguồn dân tộc:
Xưa đầu có họ Hồng Bàng,
Truyền lưu nòi giống, mở mang cõi bờ.
…
Lạc Long chắp mối duyên tình Âu Cơ
Sinh ra một bọc chẳng ngờ,
Gồm một trăm trứng, nở vừa trăm trai.
Năm mươi theo mẹ về Trời,
Theo cha năm chục, xa vời bể Đông.
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Ý rằng: Bách Việt cùng chung một nhà.
Chung vai gánh vác sơn hà,
Cùng nhau gìn giữ giống nhà Rồng Tiên.
Phong cho con trưởng kế truyền,
Hùng Vương tức vị ở miền Văn Lang
Dựng nên cơ nghiệp vững vàng,
Phong Châu một cõi, mở mang Vương triều.”
Đây là những câu thơ giúp chúng ta khắc ghi vào tâm khảm những công đức của tổ tiên, nòi giống, những bước thăng trầm của quốc gia dân tộc, để kế tục phát huy truyền thống của cha ông.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Lạc Việt sử ca” tại Thư viện thành phố Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 398.209597 / L101V;
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.000636;
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.020738
2. Quyển sách “Văn hoá Việt Nam thời hội nhập” của tác giả Vũ Nho, do Nxb. Quân đội nhân dân xuất bản năm 2021. Sách dày 251 trang gồm những bài viết về văn hoá Việt Nam dưới góc nhìn văn chương, ngôn ngữ, đồng thời chia sẻ những suy nghĩ về các vấn đề văn hoá. Một số bài viết tiêu biểu như: Về nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị; Giữ gìn bản sắc văn hóa thời hội nhập - đôi điều suy ngẫm; Lễ hội và tuổi trẻ; Phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; Giao lưu văn hóa quốc tế thời hội nhập; Văn hóa giao tiếp; Văn hóa ẩm thực; Văn hóa tranh luận; Văn hóa thời trang; Văn hóa đời sống; Văn hóa tâm linh… Qua đây giúp bạn đọc có thêm tri thức hữu ích, thêm tự hào về nền văn hóa nước mình và vững tin bước vào thời kỳ hội nhập, giữ vững bản sắc văn hóa Việt Nam, làm cho đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số ký hiệu phân loại: 306.09597 / V115H;
PHÒNG MƯỢN: MA.025785; MA.025786;
PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.060994.
3. Quyển sách “65 bí kíp đọc sách dành cho mọi người - Để việc đọc trở thành lối sống” của tác giả Nguyễn Quốc Vương, Nxb. Kim Đồng xuất bản 2022. Thông qua 255 trang trình bày nội dung với hình thức hỏi - đáp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế bổ ích, sách đưa ra cho bạn đọc nhiều lời khuyên và bí kíp thiết thực, hiệu quả để nâng cao khả năng đọc cũng như duy trì thói quen đọc sách, xa hơn nữa là khuyến đọc cho những người xung quanh. Đó là các nội dung như: Về khái niệm văn hóa đọc; Tại sao nên đọc tác phẩm cổ điển, kinh điển? Có nên đọc sách bán chạy không? Có nên nghe sách nói không? Đọc tin tức trên mạng có phải là đọc sách không? Làm thế nào để chọn được sách tốt? Làm sao ghi nhớ nội dung khi đọc sách? Thực hành trong và sau khi đọc như thế nào? Có thể tìm đọc sách miễn phí ở đâu? Có thể tiến hành những hoạt động nào trong câu lạc bộ đọc sách?...
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách để xây dựng được thói quen đọc sách - một thói quen không thể thiếu và trở thành lối sống của những người thành công. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số ký hiệu phân loại: 028 / S111M;
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.014152; MH.014153;
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.06188
Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn
Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!