CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 08 (tháng 03/2023)

Thứ tư - 08/03/2023 01:44 929 0
                                                                                                                    
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 08 (tháng 03/2023) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng nghe bài “Những bí quyết dạy trẻ đọc sách” đăng trên trang vietnamnet.vn được chúng tôi tóm lược nội dung chính.

Dạy trẻ đọc cũng giống như dạy đi hay dạy nói, dường như luôn là điều làm các cha mẹ căng thẳng, lo âu và mang tính quyết định khi so sánh kết quả của trẻ với trẻ khác. Vì vậy trước khi bạn bắt đầu thử dạy con đọc, có một vài yếu tố then chốt bạn cần biết trước ngay từ ban đầu.

Đọc cùng với trẻ. Nếu bạn từng cùng đọc sách với trẻ ngay khi trẻ còn rất nhỏ từ lúc chưa biết đi, thì trẻ đã có một sự khởi đầu thuận lợi. Ở giai đoạn này, tất cả những gì cần thiết là âm thanh trầm bổng của giọng nói bạn, sự kết nối giữa sách với hình ảnh và âm thanh và sự vui thích. Cứ thoải mái phăng câu chuyện và nói nhỏ nhẹ, diễn cảm về những hình ảnh bạn đang nhìn vào sách. Hãy để vài cuốn sách trong tầm với của con, tốt nhất là đặt trong một hộp đồ chơi với nhiều cuốn sách thú vị, để trẻ có thể nhìn thấy (và gặm và nhai) sách bất cứ khi nào chúng thích.

Khi trẻ lớn hơn một chút và khả năng hiểu của bé phát triển, hãy tìm những sách truyện minh họa đơn giản, nhiều màu sắc và những chủ đề thân thuộc với trẻ - chủ yếu là các con vật, xe cộ, các con vật làm những việc giống bé, xe cộ làm những việc giống bé và cả các bạn nhỏ làm những việc giống bé.
Những kỹ năng trước khi đọc dành cho trẻ chưa đến tuổi đến trường

Sau khi những lần được ba mẹ đọc sách cho nghe, trẻ sẽ biết sách có mặt trước và mặt sau và sách có diễn biến câu chuyện qua từng trang. Tiếp đến là hiểu rằng các từ ngữ trên trang sách được đọc từ trái qua phải, và rằng những hình dạng khác nhau của các ký tự trong từ ngữ là giúp bạn nhận dạng ra cách phát âm khi đọc chúng lên. Hãy chỉ tay vào từ bạn đọc và di chuyển ngón tay theo dòng, nhìn vào hình và cố gắng đọc hết để biết câu chuyện nói về điều gì.

Trong lúc đọc hoặc sau khi đọc, hướng trẻ vào nội dung câu chuyện, hỏi chúng xem thích gì hay không thích gì trong truyện… Đây đều là những kỹ năng rất quan trọng trước khi biết đọc.

Hãy tìm những quyển sách có nền sáng, minh họa vui nhộn và rõ ràng, câu chữ không quá phức tạp. Những câu chuyện đọc theo vần đặc biệt rất tốt, chúng giúp trẻ hấp thu vần điệu và cấu trúc của câu và làm nhạy bén hơn kỹ năng nghe, trẻ sẽ sớm phân biệt được âm của các ký tự khác nhau. Vần điệu cũng hỗ trợ việc đoán từ, một kỹ năng trước khi đọc quan trọng - bạn hãy thử dừng trước khi bạn đọc nốt vần để xem trẻ có thể điền tiếp từ cho bạn không (ví dụ, “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi…”).

Dạy trẻ cách nhận biết âm và ký tự
Nếu bạn thấy trẻ đã sẵn sàng, bạn có thể bắt đầu nói với chúng biết về ngữ âm – xây dựng dựa trên những gì chúng đã bắt đầu học ở trường. Hãy tìm một cuốn sách ABC đẹp và nhìn vào các ký tự lẫn nhau. Bắt đầu với ký tự tên của bé và từ đó hãy để trẻ đọc chính tả theo nhịp điệu của bé. Phát âm theo đúng ngữ âm “a” thay vì “ay” và “b” thay vì “bi”, bởi vì đây là cách chúng sẽ học tại trường mầm non và tiểu học. 

Bạn cũng có thể làm chữ cái nam châm dán lên cửa tủ lạnh hoặc mua chữ cái mút xốp thả nổi trong nhà tắm. Một khi chúng biết phân biệt âm của các ký tự, bạn có thể chỉ vào ký tự khi chúng nhìn thấy trên các bảng đèn đường hay nhãn hiệu thức ăn hay sách. Nếu con bạn vẫn hào hứng học tiếp (và, xin nhắc lại lần nữa, không có gì gấp gáp), bạn nên giúp trẻ học cách ghép vần với nhau để tạo một từ đơn giản có nguyên âm và phụ âm: ví dụ “t” với “o” đọc thành “to”, “a” với “n” đọc thành “an”.
Cứ thế, đọc đi đọc lại, để trẻ dần hiểu được và thích thú với việc đọc. 

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Kỷ nguyên số là kỷ nguyên của tuổi trẻ” Phúc Kha ghi và được đăng trên báo Mực tím online.  

“Kỷ nguyên số sẽ phát triển nhanh hơn nếu có sự học hỏi, sự sáng tạo, tìm tòi phát triển công nghệ mới của các bạn trẻ, tuổi trẻ là độ tuổi sẽ có nhiều năng lượng, sự sáng tạo hơn cho kỷ nguyên số”. Đó là chia sẻ của bạn Trần Phú Vinh, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

 “Kỷ nguyên số đòi hỏi thế hệ trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên như mình cần học cách sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ cao, thường xuyên cập nhật các phát minh mới về khoa học và công nghệ, tiếp thu nhanh các thành tựu của thế giới, có khả năng tư duy sáng tạo đa dạng, cần nắm bắt các xu thế phát triển của các nước tiên tiến để giúp đất nước hội nhập” - Phú Vinh nói.

Đồng thời Phú Vinh cho rằng, điều quan trọng nhất khi tiếp thu là học hỏi có chọn lọc, tiếp cận, ứng dụng những công nghệ mới vào đời sống thực tiễn như thế mới theo kịp thời đại công nghệ 4.0. Kỷ nguyên số sẽ phát triển nhanh hơn nếu có được sự học hỏi và không ngừng sáng tạo, phát triển công nghệ mới của các bạn trẻ, tuổi trẻ là độ tuổi sẽ có nhiều năng lượng, sự sáng tạo hơn cho kỷ nguyên số.

Ngoại ngữ là chìa khóa quan trọng trong kỷ nguyên số
Còn theo thầy Vũ Bảo Anh, giảng viên Trường Đại học Sài Gòn, kỷ nguyên số là kỷ nguyên của tuổi trẻ, tầng lớp thanh niên đang và sẽ hưởng thụ những cơ hội, lợi ích ngay khi các xu thế mới, những dịch chuyển lớn trên toàn cầu diễn ra. Trong kỷ nguyên số, thanh niên cần tích lũy và trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với thực tiễn của cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao khả năng thích nghi của bản thân trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay. Trong đó có ngoại ngữ thông thạo, nhất là tiếng Anh và càng nhiều ngoại ngữ càng tốt, là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa vào thế giới tri thức của nhân loại và làm việc trong môi trường quốc tế, đa văn hóa. 

Kỷ nguyên số vừa là cơ hội, vừa là thách thức
Bạn Dương Cát Tường, sinh viên trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM chia sẻ: “Trong kỷ nguyên số hiện nay, đòi hỏi mình phải là người chủ động, tích cực học tập và rèn luyện bản thân, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình. Bản thân mình cần chủ động thay đổi phương pháp học để thích ứng với thời đại số, vạn vật kết nối. Điều quan trọng nhất đối với sinh viên trong kỉ nguyên số là sự chủ động tiếp thu có chọn lọc những tri thức, làm chủ công nghệ, tư duy sáng tạo và trau dồi ngoại ngữ thật tốt là một yêu cầu không thể thiếu trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 để có thể tìm kiếm cơ hội học tập và việc làm hấp dẫn, nhất là cơ hội để mở rộng sự hiểu biết, giúp chúng ta có nhiều trải nghiệm để hoàn thiện bản thân, trở thành “những công dân toàn cầu” năng động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết. 

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau: 
1. Quyển sách “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh qua các kỳ đại hội” do Trần Văn Phương biên soạn, Nxb Trẻ xuất bản năm 2022. Với 197 trang, sách giới thiệu lịch sử Đoàn qua từng mốc Đại hội, từ những ngày mới thành lập giữa cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cho tới bước phát triển ngày hôm nay. Bên cạnh là những phong trào tiêu biểu, những sự kiện ghi dấu vào lịch sử, những gương mặt thanh niên tiêu biểu, những biểu tượng đại diện cho ý chí và tinh thần bất khuất của thanh niên Việt Nam trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Trong đó, sách đã trích bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội toàn quốc Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam lần thứ II ngày 02 tháng 11 năm 1956, Người căn dặn ân cần: “Muốn Đoàn củng cố và phát triển, thì tất cả đoàn viên phải làm gương mẫu:

- Phải giữ vững đạo đức cách mạng: Phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự tư, tự lợi.
- Phải xung phong trong mọi công tác; xung phong là đi trước, làm trước để lôi cuốn quần chúng, chứ không phải là xa rời quần chúng.
- Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt.
- Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới có đủ sức để tham gia một cách dẻo dai bền bỉ những công việc ích nước lợi dân.”

Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số 324.2597 / Đ406TH;
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.014050; MH.014051; ▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061692

2. Quyển sách “Phụ nữ thời 4.0 và những hành trang cho cuộc đời” do My Lê, Hồng Hoa sưu tầm, tuyển chọn; nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 2019. Sách với 391 trang được xem là kim chỉ nam cho người phụ nữ với các nội dung xoay quanh các chủ đề: Phụ nữ thời hiện đại; Xây dựng sự nghiệp, và con đường làm giàu; Xây dựng nhân cách và bản lĩnh sống; Hãy yêu mình; Thay đổi quan niệm sống sẽ thay đổi đời mình. Quyển sách gởi đến bạn đọc thông điệp rằng: Phụ nữ thời 4.0 có những vai trò lớn lao hơn. Nếu như hôm qua họ chỉ có thể là những bà nội trợ thì hôm nay họ có thể trở thành những phụ nữ với sự nghiệp độc lập, tham gia vào các hoạt động xã hội, trang bị những kiến thức cần thiết cho hành trang cuộc sống. Với nhiều ảnh minh họa và nội dung hướng dẫn chi tiết các kỹ năng trong học tập, làm việc, nấu ăn, làm đẹp, trang trí nhà cửa,... quyển sách là cẩm nang hữu ích giúp chị em tự tin vận dụng để làm chủ đời sống của chính mình. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc tại với mã số ký hiệu phân loại: 305.42 / PH500N;  PHÒNG ĐỌC: DL.17950.

3. Quyển sách  “Sức mạnh của thói quen” của tác giả Charles Duhigg, do Lê Thảo Ly dịch, Nxb. Lao động xuất bản năm 2022. Sách dày 433 trang với 9 chương nội dung, sẽ cho bạn một cái nhìn toàn diện không chỉ về thói quen của cá nhân, của tổ chức mà còn của toàn xã hội, cùng với lời khuyên để vận dụng các thói quen đó. Sách cũng chỉ rõ: “Về cơ bản, người lớn và trẻ em không khác nhau là mấy. Bởi hầu hết những hành động ngày ngày của chúng ta đều là sản phẩm của thói quen vô thức. Muốn thay đổi thói quen không tốt, bạn phải phá vỡ những việc làm tùy hứng hằng ngày - câu “thần chú” này sẽ chỉ đường cho bạn tới thành công. Nên nhớ, nếu chỉ cố gắng chống trả với những hấp lực của những tật xấu cũ mà không tập tành những thói quen mới tốt đẹp, thì chúng ta quả là đang ở một cuộc chiến đấu vô vọng.”

Với những phân tích thấu đáo, kỹ càng về nhiều trường hợp đã vận dụng thói quen một cách hiệu quả, sách đưa ra những lời khuyên thiết thực giúp bạn đọc nhìn nhận ra thói quen cần loại bỏ và vận dụng được các thói quen tốt để trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện thành phố Cần Thơ với mã số môn loại: 152.3 / S552M; Phòng đọc Tổng hợp: DV 61811; Phòng Mượn: MH 14115-14116.

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn
   Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại! 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây