CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG”  KỲ 36 (tháng 7/2025)

Thứ ba - 01/07/2025 02:53 14 0
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 36 (tháng 7/2025) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0  
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “7 cách đơn giản giúp bạn tăng tốc độ đọc” do Phương Anh dịch” đăng báo điện tử Thanh niên.

Việc cải thiện tốc độ đọc là rất cần thiết, không chỉ cho sinh viên mà còn cho đa số mọi người. Vì càng đọc nhanh hơn sẽ càng tăng khối lượng kiến thức, thông tin thu nhận được. 
Theo trang About.com, 7 cách sau có thể giúp bạn tăng tốc độ đọc.

Tập trung đọc câu đầu tiên của đoạn văn. 
Hầu hết các tác giả đều bắt đầu bằng một tuyên bố quan trọng hoặc thông tin chính có thể tóm tắt được đại ý của toàn bộ một đoạn văn, bài báo hay bài nghiên cứu. Vì vậy, chỉ cần đọc những câu đầu tiên trong đoạn văn, bạn có thể nhanh chóng biết được ý chính và xác định tài liệu này có chứa thông tin bạn đang quan tâm, tìm kiếm hay không.
Đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, cách đọc này vẫn được áp dụng, nhưng trong trường hợp bạn không muốn bỏ lỡ những chi tiết, từ ngữ phong phú, bạn hoàn toàn có thể chọn cách đọc từng chữ.

Lướt nhanh xuống câu cuối cùng của đoạn
Cũng như câu đầu tiên, câu cuối cùng của một đoạn văn thường chứa những thông tin mang tính chất “đầu mối” về tầm quan trọng của vấn đề đang được nhắc tới. Câu cuối cùng thường phục vụ hai chức năng, bày tỏ quan điểm để chốt lại vấn đề hoặc cung cấp một thông tin kết nối để dẫn đến đoạn tiếp theo.

Đọc các cụm từ, từ khóa
Sau khi đọc câu đầu tiên, câu cuối cùng và xác định được đây là thông tin bạn cần đọc, thì việc của bạn lúc này là di chuyển đôi mắt một cách nhanh chóng trên mỗi dòng để tìm kiếm cụm từ và từ khóa. Đừng cố gắng đọc từng chữ, vì các chữ chỉ chứa thông tin có nghĩa khi được ghép lại thành một từ hoặc cụm từ.

Tìm kiếm những điểm chính
Những điểm chính trong đoạn là những luận cứ nhỏ để làm mạnh hơn cho luận điểm lớn. Vì vậy, chỉ cần tìm kiếm những điểm chính, bỏ qua những câu chứa thông tin không quan trọng, bạn sẽ có được cái nhìn, quan điểm rõ ràng hơn cho bức tranh toàn cảnh.

Đánh dấu, ghi chú ngắn thông tin chủ chốt ngoài lề đoạn văn
Nhiều người có thói quen giữ gìn sách bằng cách không đánh dấu hoặc viết bất cứ điều gì lên đó. Nhưng để tăng tốc độ đọc và tiết kiệm thời gian khi bạn cần phải tìm kiếm, nghiên cứu lại vấn đề sau này thì việc đánh dấu, ghi chú ra ngoài lề là rất cần thiết.

Đọc với tư thế phù hợp
Đọc sách với tư thế phù hợp sẽ giúp trí não tập trung, tỉnh táo, cơ thể thoải mái và kéo dài thời gian đọc được lâu hơn. Ngồi không đúng cách hoặc nằm khi đọc sẽ vô tình gây áp lực lên cơ thể, gây buồn ngủ khiến bạn không thể tập trung đọc và tốc độ đọc cũng giảm sút.

Luyện tập
Cũng giống như học nhạc hay học một ngoại ngữ mới, để tăng tốc độ đọc, đòi hỏi bạn phải luyện tập. Hãy thực hành tất cả các phương pháp mỗi khi bạn có cơ hội, ví dụ như khi đọc báo, đọc sách hay khi bạn không phải đọc tài liệu dưới áp lực của "thời hạn cuối cùng". Luyện tập thường xuyên sẽ sớm tạo ra sự khác biệt trong cách đọc, tiết kiệm thời gian, tăng lượng kiến thức mà đôi khi chính bản thân bạn cũng không hề nhận ra.
II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Lịch sử, ý nghĩa ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7” được đăng trên Cổng Thông tin điện tử thành phố Cần Thơ.
Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sỹ, cũng là ngày để người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây.

Lịch sử, nguồn gốc ngày 27/7
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, anh chị em thương binh – bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Trong những tháng năm đầu của cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường.Nỗi đau chiến tranh bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều người vợ trẻ mất chồng, nhiều đứa con mất bố, nhiều gia đình tan vỡ. Để phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác.

Ngày 19/12/1946, Hà Nội chính thức phát động chiến tranh với Pháp, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và chết tăng lên nhanh chóng do sự chênh lệch về trang bị vũ khí cũng như những chiến thuật chiến đấu. Đời sống của binh lính lúc đó, nhất là những binh sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do tình cảnh khó khắn của Chính phủ Việt Nam bấy giờ. Trước yêu cầu đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh gia đình tử sĩ, vào năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/8/1947 Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam.

Để chỉ đạo công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, ngày 26/2/1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập. Đầu tháng 7/1947 Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc cũng được thành lập. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã dự một cuộc họp do cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức.

Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Tại cuộc họp này, theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục quân đội Quốc gia Việt Nam, sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ. Từ tháng 7/1955, Ngày thương binh được đổi thành Ngày thương binh liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thẳng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của cả nước.

Ý nghĩa ngày 27/7: Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 có ý nghĩa quan trọng với toàn dân Việt Nam. Ngày 27/7 là ngày thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những chiến sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngày 27/7 là ngày phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Vào ngày 27/7, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sỹ diễn ra trên khắp cả nước. Đảng, Nhà nước cùng nhân dân ta trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc. Bên cạnh đó cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của những thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Đồng thời, giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sỹ và Người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:
1. Quyển sách “Bí quyết giúp con ham đọc sách” của tác giả Đào Tiểu Ngãi, do Trương Phan Châu Tâm dịch, Nxb. Hồng Đức xuất bản 2024. Với 221 trang, sách gồm bốn chương, chia sẻ với các bậc cha mẹ các bí quyết như: Giúp trẻ yêu thích đọc qua việc bắt đầu làm quen những cuốn sách tranh đầy màu sắc; Cùng nhau trưởng thành, đồng hành trong việc đọc của con; Hiểu rõ và sử dụng sách tranh làm công cụ giáo dục trực quan, sinh động, giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên…  Qua đó, tổng hợp kinh nghiệm và phương pháp cụ thể để cha mẹ có thể áp dụng, từng bước hình thành thói quen và niềm đam mê đọc sách bền vững cho con. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện thành phố với mã số phân loại: 028.5 / B300QU; Phòng mượn: MH.014480; MH.014481
2. Quyển sách “Những viên ngọc quý, tập III” do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Cần Thơ biên soạn năm 2024. Sách dày 215 trang, là sự ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối mà tên tuổi gắn liền với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước ở Cần Thơ như: Nguyễn Thái Sơn, Phan Công Dương, Trần Văn Long, Đinh Công Dụng, Vũ Đình Liệu, Trần Bá Đương, Phạm Văn Kiết, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Văn Đáng. Đây là tài liệu quý, góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, chính trị, truyền thống yêu nước cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Cần Thơ. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 959.793/NH556V; Phòng mượn: MG.011436; MG.011437.
3. Quyển sách “Những câu chuyện khoa học làm thay đổi thế giới” của tác giả Kwon Gi Gyum, do Ngọc Quỳnh dịch, Nxb. Thanh niên phát hành năm 2020. Sách 230 trang sẽ là người bạn đồng hành cùng các bậc phụ huynh giải đáp cho các bạn nhỏ những thắc mắc về khoa học và cuộc sống qua 5 chương. Chương 1 “Những phát minh đóng góp cho sự phát triển của nhân loại” đề cập đến sự ra đời của cuộc sách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới cũng như sự hình thành của con đường tơ lụa. Chương 2 “Các nhà khoa học thiên tài làm lay chuyển thế giới” giới thiệu một số nhà khoa học lừng danh theo từng lĩnh vực khoa học và những nhà khoa học đã từng đạt giải Nobel ở các lĩnh vực khác nhau. Chương 3 “Vũ trụ rộng lớn và nhiều thử thách” sẽ giúp các bạn sẽ biết được ai là người du hành vũ trụ đầu tiên; Chuyến tàu nào đưa con người đến mặt trăng đầu tiên? Và sự huyền bí, kì diệu của các dải màu ngân hà v.v... Chương 4 “Khoa học ngay cạnh chúng ta” giúp các bạn nhỏ sẽ tìm được câu trả lời cho những sự vật, hiện tượng diễn ra hằng ngày. Tại sao có sấm sét? Hay thế giới ẩn chứa sau đại dương rộng lớn kia là gì?....  Chương 5 “Đọc hiểu thế giới bằng khoa học”sẽ đưa các bạn nhỏ quay ngược về thời kì tổ tiên của loài người, khám phá xem sự thật khoa học nào ẩn giấu đằng sau đó.
   Sách còm có những bức tranh minh họa ngộ nghĩnh để các bạn nhỏ có thể dễ dàng đọc như xem những thước phim hoạt hình, giúp các bạn nắm bắt những kiến thức khoa học, phát huy khả năng sáng tạo, phát triển trí tuệ. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 500 / NH556C; Phòng Thiếu nhi: ND.010161

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
THƯ VIỆN CƠ SỞ
THƯ VIỆN CÁC TỈNH ĐBSCL
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây