bài GTS tuần 1 tháng 3

Thứ hai - 10/03/2025 03:45 29 0
Mong rằng, quyển sách “NHÀ CỔ Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ” sẽ đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu về đất và người Cần Thơ của đông đảo bạn đọc và phần nào tiếp tục cung cấp thêm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan. Thông qua các bài viết được giới thiệu trong sách, nét đẹp văn hóa truyền thống trong các công trình kiến trúc, lịch sử có giá trị của cha ông sẽ được lưu truyền, đồng thời, giới thiệu rộng rãi hơn về tiềm năng du lịch kết hợp bảo tồn loại hình di sản văn hóa độc đáo này.
bài GTS tuần 1 tháng 3
Xin chào quý thính giả, chúng ta lại gặp nhau trong chuyên mục giới thiệu sách tháng 3.
Kính thưa quý độc giả,
Cần Thơ từ lâu được xem là thủ phủ của miền Tây Nam bộ, cùng với cả nước đã trải qua lịch sử đấu tranh đầy gian khổ, nhưng rất vinh quang. Không chỉ là nơi tập trung các tài năng văn hóa như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Lưu Hữu Phước…nơi đây còn là nơi lắng đọng những giá trị di sản văn hóa đã làm nên vẻ đẹp đời sống tinh thần của dân tộc. Bên cạnh những công trình hiện đại đồ sộ vừa được xây dựng, thỉnh thoảng còn bắt gặp những kiến trúc xưa sừng sững với thời gian, ẩn chứa bên trong biết bao thông điệp của cha ông mà các thế hệ sau phải tiếp nối, trân trọng và giữ gìn. Như PGS.TS Nguyễn Đức Thiềm đã từng nhận định: “Một thành phố mà không có công trình cổ thì cũng như một người không có ký ức”.
Các nhà cổ ở Cần Thơ có niên đại từ khoảng đầu thế kỷ XX, đó là những công trình kiến trúc vừa chứa đựng hệ giá trị tiêu biểu của văn hóa kiến trúc Châu Âu vừa mang trong mình hệ giá trị về văn hóa-mỹ thuật Á Đông. Kiến trúc nhà có sự tiếp thu và chuyển hóa theo phong cách tây phương, nhưng vẫn giữ được dấu ấn sâu đậm của kiến trúc nhà cổ Nam bộ.
Với mong muốn làm phong phú thêm sự hiểu biết của bạn đọc về kiến trúc nhà Nam bộ xưa ở Cần Thơ, để cùng chia sẻ, thêm yêu thành phố Cần Thơ hôm nay, Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều xin trân trọng giới thiệu quyển sách “NHÀ CỔ Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng thành phố Cần Thơ ra mắt năm 2010, được Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ phát hành. Nội dung quyển sách được tham khảo từ rất nhiều nguồn tài liệu quý, có giá trị của các tác giả-tổ chức trong và ngoài địa bàn thành phố Cần Thơ như: Địa chí Cần Thơ (Tỉnh uỷ-UBND Tỉnh Cần Thơ, 2002); Nhà ở, trang phục, ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (Phan Thị Yến Tuyết, NXB Khoa học xã hội, 1993); Kỷ yếu 80 năm từ Trung học Cần Thơ đến PTTH Châu Văn Liêm (xuất bản năm 1997),…
Quyển “NHÀ CỔ Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ” có 144 trang in giấy ngà, sạch sẽ, minh họa bìa màu đẹp mắt, bìa giấy cứng khổ 14cmx20cm. Sách có 03 phần, mở đầu là Lời nói đầu, tiếp theo là nội dung chính của quyển sách giới thiệu các bài viết về 16 công trình kiến trúc tiêu biểu đầu thế kỷ XX và liên quan đến đất và người Cần Thơ như: Nhà thờ họ Dương (tác giả Huỳnh Đỉnh Chung), Nhà lồng chợ Cần Thơ (tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hân), Nhà Thờ Chánh tòa Cần Thơ (tác giả Phan Thị Mỹ Hồng), Nhà ông Phán Quát – ông Cả Bá – ông Tư Bầu – Hương sư Nguyễn Duy Hinh (tác giả Lê Thị Kim Thúy),…Kết thúc quyển sách là phần Phụ lục ảnh (gồm có 14 ảnh chụp nhà cổ còn tồn tại đến nay trên địa bàn thành phố cần Thơ) và Tài liệu tham khảo-Mục lục sách.
Trong khuôn khổ chuyên mục giới thiệu sách hôm nay, xin lược trích một số công trình kiến trúc cổ nổi bật trong quyển “NHÀ CỔ Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ” để giới thiệu đến quý độc giả.
Trong bài viết về Nhà thờ họ Dương (của tác giả Huỳnh Đỉnh Chung) – thì nhà thờ họ Dương thường được nhắc đến với tên gọi là Nhà cổ vườn lan hay Vườn lan Bình Thủy hơn. Nhà thờ họ Dương, tọa lạc tại số 26/1 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, là một công trình nằm trong quần thể kiến trúc được phân bố khá đậm đặc cặp theo sông Bình Thủy – làng Long Tuyền xưa, là một trong những công trình kiến trúc dân dụng đặc sắc của các bậc quyền quý ở Nam bộ. Nhà tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 8.000m2, có đường giao thông và sông rạch thuận lợi di chuyển, xung quanh nhà là vườn cây trái, hoa kiểng xanh tốt. Nhà thờ được xây dựng và phối trí vừa mang đặc trưng kiểu dinh thự Pháp vừa hòa quyện nét đẹp cổ kính của gỗ, ngói, đầu hồi trang trí hoa lá, cá vàng, người cưỡi trâu, vì kèo kiểu xuyên trính (kèo cánh ác, cánh dơi),…Kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông – Tây là một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của dân tộc. Chính điều ấy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm phim trường. Nhà thờ họ Dương là một trong những ngôi nhà cổ ở Nam Bộ còn lại tương đối nguyên vẹn, được các hậu duệ giữ gìn khá tốt. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị. Mặc dù được xây dựng vài đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, họa tiết trang trí. Như tác giả Huỳnh Đỉnh Chung đánh giá: “Ở đây sự giao tiếp văn hóa Đông – Tây được chọn lọc, được tiếp thu và vận dụng một cách tài tình, hợp lý, tạo cho ngôi nhà một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả”.
Ngoài quần thể kiến trúc cổ ở quận Bình Thủy, ở quận Ô Môn cũng có vài ngôi nhà cổ đến nay vẫn được các thế hệ con cháu sử dụng và bảo dưỡng gần như nguyên vẹn như Nhà buôn “Thiệu Phát”, Nhà ông Cả Dương, Nhà thờ họ Nguyễn trong bài viết của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hân. Quận Cái Răng trù phú cũng bảo tồn được công trình kiến trúc dân dụng điển hình đến ngày nay là Nhà ông Phán Quát được tác giả Lê Thị Kim Thúy giới thiệu đến độc giả. Quận Thốt Nốt đến nay vẫn còn lưu giữ được khá nhiều công trình kiến trúc nhà cổ đậm nét phong cách Đông-Tây như Nhà ông Cả Bá, Nhà ông Tư Bầu, Nhà Hương sư Nguyễn Duy Hinh, Nhà ông Hương Quản Hòa, Nhà Hội đồng Thoại, Nhà cổ Thuận Hưng được tác giả Lê Thị Kim Thúy cất công sưu tầm và biên soạn chi tiết từ kiến trúc đến cái hồn văn hóa dân tộc riêng của mỗi ngôi nhà cổ.
Mong rằng, quyển sách “NHÀ CỔ Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ” sẽ đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu về đất và người Cần Thơ của đông đảo bạn đọc và phần nào tiếp tục cung cấp thêm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan. Thông qua các bài viết được giới thiệu trong sách, nét đẹp văn hóa truyền thống trong các công trình kiến trúc, lịch sử có giá trị của cha ông sẽ được lưu truyền, đồng thời, giới thiệu rộng rãi hơn về tiềm năng du lịch kết hợp bảo tồn loại hình di sản văn hóa độc đáo này.
Kính mời quý độc giả tìm đọc ấn phẩm “NHÀ CỔ Ở THÀNH PHỐ CẦN THƠ”  hiện tại Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều, Số 12 Phan Văn Trị, P.Thới Bình, Q.NK.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
THƯ VIỆN CƠ SỞ
THƯ VIỆN CÁC TỈNH ĐBSCL
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây