Một ngày tháng năm trong chuồng cọp / Lê Hồng Quân. H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2020. - 114tr.; 21cm    Tên thật tác giả: Đào Thị Huyền Nga

Thứ hai - 05/04/2021 02:59 1.431 0
Một ngày tháng năm trong chuồng cọp / Lê Hồng Quân. H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2020. - 114tr.; 21cm    Tên thật tác giả: Đào Thị Huyền Nga
    Với những người trẻ, sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, điều đọng lại sâu sắc nhất trước những di tích lịch sử lao tù chính là khí tiết của người tù chính trị trước cảnh đọa đày. Nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong lao tù vẫn kiên cường bất khuất đấu tranh với địch. Từ một nhà tù biệt lập giữa biển khơi, họ biến thành trường học cách mạng mà mỗi học viên là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, thà hy sinh chứ nhất định không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng.
    “Một ngày tháng năm trong chuồng cọp” là quyển hồi ký của nữ tù chính trị người Cần Thơ với bí danh Lê Hồng Quân sinh năm 1947 (tên thật là Đào Thị Huyền Nga). Sách được Nxb. Hội Nhà văn ấn hành năm 2020 với 114 trang gồm 4 câu chuyện được viết sau khi ra tù nhớ về đồng đội, về cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt đã qua của tác giả..
    Mở đầu là hồi ký “Cuộc diễn thuyết đầu xuân 1968” kể về chiến công đầu tiên của Đơn vị Nữ biệt động Sài Gòn – Gia Định mà tác giả đã tham gia xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động. Giữa lưới kiểm soát dày đặc của mật vụ, cảnh sát dã chiến, nhưng cô và đồng đội đã tổ chức diễn thuyết trước hàng ngàn đồng bào giữa chợ Bến Thành, treo cờ Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngay giữa chợ Bến Thành, trao truyền đơn và thư chúc Tết của Bác Hồ tận tay đồng bào trong phiên chợ Tết.
    Ở “Một ngày tháng năm trong chuồng cọp” cũng là tiêu đề của quyển hồi ký, tác giả kể về những năm tháng bị tù đày từ Chí Hòa ra Côn Đảo và bị giam ở Chuồng Cọp 1. Để vượt qua những khắc nghiệt trong Chuồng Cọp, những nữ tù chính trị đã tổ chức sinh hoạt lại trong tù, chia sẻ cho nhau từng sợi chỉ, miếng cơm, hạt muối, đặc biệt là động viên nhau giữ vững tinh thần. Bằng những mối liên hệ đặc biệt, cô đã có được bản Di chúc của Bác Hồ và học thuộc lòng để truyền lại cho chị em trong Chuồng Cọp Côn Đảo. Đó là một thứ vũ khí tư tưởng, tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tiếp sức cho tập thể nữ tù chính trị trong các cuộc đấu tranh, giữ vững khí tiết. 
    Tiếp đến là hồi ký “Ngày thứ năm trong tù” kể về Nguyễn Văn Quang, người chiến sĩ trinh sát trẻ tuổi của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng đã cùng với tác giả bị giặc bắt và tra tấn vô cùng dã man, nhưng không ai khai báo. Đến ngày bị bắt thứ năm trong tù, trước sự tra khảo man rợ của kẻ thù người chiến sĩ trinh sát đã hy sinh, khi giặc thọc cây ma trắc vào vết thương trên ngực thì anh vẫn ung dung hát cho đến lúc tắt thở, tiếng hát đau xé lòng tác giả và những người đồng đội bị giam ở phòng bên.
    Sau cùng là hồi ký “Tiễn má đi chiến trường” kể về người đồng đội đặc biệt của tác giả. Hai má con đồng chí này đều công tác chung một chiến trường ven đô Cần Thơ, cùng được điều động tăng cường cho Sài Gòn – Gia Định, cùng bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, rồi được trao trả tự do. Sau đó, hai má con đã cùng giúp nhau rèn luyện sức khỏe và sớm trở lại chiến trường. Họ là hình ảnh tiêu biểu cho những chiến sĩ cách mạng, người trước - người sau tiếp tục chiến đấu với khát vọng giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
    Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước hòa bình độc lập và đang bước vào thời kỳ đổi mới, nhưng những câu chuyện chân thực trong quyển “Một ngày tháng năm trong chuồng cọp” giúp cho các thế hệ trẻ thêm hiểu biết và luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
    ▪ Ký hiệu phân loại: 895.92283403 / M458NG
    ▪ PHÒNG MƯỢN:  MV.22627; MV.22628

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây