Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ. / - Cần Thơ : Bảo tàng, 2020. - 95tr. : Ảnh; 21cm

Thứ năm - 01/04/2021 23:14 1.603 0
Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ. / - Cần Thơ : Bảo tàng, 2020. - 95tr. : Ảnh; 21cm
     Trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, hò được xem là một thể loại diễn xướng dân gian. Trong quá trình lao động sản xuất, qua đối đáp giao duyên đã sản sinh ra lời hay ý đẹp rồi thêm thắt, uốn nắn bởi cách dùng từ đưa hơi, để tạo ra lời hát có tính nghệ thuật, một phong cách rất riêng của hò. 
     Sông sâu sóng bủa láng cò,
     Thương em vì bởi câu hò có duyên. (Ca dao)

     Hò Cần Thơ (còn gọi là hò Sông Hậu) ra đời và phát triển trên vùng đất Cần Thơ. Hò Cần Thơ có một số thể loại chính như: hò mái dài, hò huê tình, hò cấy... Trong đó, hò cấy và hò huê tình chiếm số lượng lớn, có nội dung phong phú. Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể do những người bình dân diễn xướng và thưởng thức. Trải qua quá trình tồn tại, chuyển sang cuộc sông hiện đại, không gian diễn xướng của hò dần thu hẹp, những người biết hò ngày càng cao tuổi, thế hệ trẻ tiếp nối không nhiều. Do vậy, hò Cần Thơ đang đứng trước nguy cơ mai một.
     Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản Hò Cần Thơ, năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ đã xuất bản quyển sách “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ” do Bảo tàng TP. Cần Thơ phối hợp với soạn giả Nhâm Hùng nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và thực hiện. 
     Sách với 95 trang trình bày một số nội dung cơ bản gồm: Quá trình ra đời, tồn tại của di sản Hò Cần Thơ; Hình thức thể hiện - Quy trình thực hành; Đánh giá hiện trạng và giá trị lịch sử văn hóa của di sản Hò Cần Thơ; Một số câu hò được sưu tầm trong dân gian ở vùng đất Cần Thơ.  
     Quyển sách còn có các phụ lục về một số câu hò được ký âm thuộc các thể loại: Hò huê tình, hò mái dài, hò Cần Thơ;  Hò Cần Thơ trong tác phẩm âm nhạc, vọng cổ (“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Tiếng hò sông Hậu” “Tình anh bán chiếu”) và danh sách 18 nghệ nhân hò ở Cần Thơ. 
     Đọc sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về Hò Cần Thơ - một loại hình di sản tồn tại trên vùng đất này khoảng trên dưới 100 năm, đã có sự đóng góp đáng kể, đáp ứng nhu cầu, nâng cao đời sống văn hóa - giải trí của cư dân Cần Thơ và tạo nên dấu ấn đặc trưng, nét độc đáo về lối diễn xướng dân gian. Hò Cần Thơ cũng đã góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ và thể hiện sâu sắc tình cảm dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của cư dân nơi đây. Hiện nay Hò Cần Thơ đang đứng trước nguy cơ mai một và đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy di sản, cùng sự chung tay của cộng đồng trong việc sưu tầm, truyền dạy để tiếp tục gìn giữ lưu truyền cho mai sau.
     Quý vị và các bạn có thể tìm đọc quyển sách “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
     ▪ Ký hiệu phân loại: 781.6200959793 / D300S
     ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059079
     ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010459; MG.010460

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây