Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với văn hoá gia đình Việt Nam / Vũ Diệu Trung chủ biên, Phí Hải Nam, Dương Thuỳ Linh.... - H. : Văn hoá dân tộc, 2020. - 231tr.; 21cm

Thứ ba - 31/08/2021 03:22 1.874 0
Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với văn hoá gia đình Việt Nam / Vũ Diệu Trung chủ biên, Phí Hải Nam, Dương Thuỳ Linh.... - H. : Văn hoá dân tộc, 2020. - 231tr.; 21cm
Ngày nay, các phương tiện truyền thông mới (PTTTM) trên nền tảng internet xuất hiện cùng sự xuất hiện của các thiết bị hiện đại như: điện thoại thông minh (smart phone), ipad, ipod…với nhiều tính năng được tích hợp đã trở nên phổ biến trong cộng đồng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội nói chung và văn hóa gia đình nói riêng dưới nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau. Sự xuất hiện của các PTTTM đã tạo nên những thay đổi sâu sắc trong lối sống của gia đình Việt Nam theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Quyển sách  “Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với văn hoá gia đình Việt Nam” do Tiến sĩ Vũ Diệu Trung chủ biên cùng tập thể các tác giả đã bước đầu lý giải những thay đổi về văn hoá gia đình ở Việt Nam trước tác động của PTTTM, từ đó đưa ra một số đề xuất, giải pháp nhằm phát huy tính tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của PTTTM  đối với văn hoá gia đình Việt Nam. Sách do nhà xuất bản Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2020 với độ dày 231 trang, nội dung gồm 3 chương:

Chương 1 trình bày tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận về tác động của PTTTM đối với gia đình Việt Nam. Trong đó trình bày và phân tích các khái niệm về văn hóa gia đình, xây dựng văn hóa gia đình, PTTTM,… cũng như tình hình nghiên cứu về vấn đề này trên thế giới và ở Việt Nam.

Chương 2 trình bày sự tác động tích cực và tiêu cực của PTTTM đối với văn hoá gia đình Việt Nam trên các bình diện gồm: Đối với các mối quan hệ gia đình; Đối với phát triển kinh tế và tiêu dùng gia đình; Đối với đời sống tinh thần của gia đình. Trong đó phân tích sự tác động của TTTTM đến nhận thức của các thành viên trẻ của gia đình về duy trì nòi giống và tâm lý, tình cảm trong đời sống gia đình, cũng như việc giáo dục con cái và thực hành tín ngưỡng trong gia đình.

Sách giúp người đọc thấy rõ, những nội dung của PTTTM tác động đến văn hóa gia đình, bao gồm: đàm thoại trực tiếp; tin nhắn; các loại hình giải trí (phim, game online, âm nhạc, thời trang,..); tin tức (báo mạng, trong đó bao gồm cả báo hình và báo viết, ngân hàng dữ liệu thông tin); mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, Mypace, Tumblr, Twitter, Google plus, Zingme, Flickr...). Xét trên phương diện tích cực, PTTTM đã đem lại những giá trị tích cực như: Thỏa mãn nhu cầu làm việc, kết nối, hưởng thụ văn hóa, làm đa dạng đời sống văn hóa gia đình Việt, nhất là phát huy lợi ích trong tình huống giao tiếp trực tiếp bị hạn chế do dịch bệnh Covid – 19. Tuy nhiên xét trên phương diện tiêu cực, từ những nhu cầu hưởng thụ mới đã hình thành nên sở thích mới, khuôn mẫu mới với những hành vi ứng xử khác trong gia đình truyền thống, vai trò cá nhân được đặt ở vị trí cao hơn; vì thế những liên kết của các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo, dẫn đến sự lệch lạc trong quan niệm về gia đình, gây nên xung đột giữa các thế hệ về quan niệm sống, giá trị, nhân cách, giao tiếp, ứng xử, kéo theo đó là tình trạng bạo lực gia đình gia tăng... đe dọa tới sự tồn tại của gia đình, làm tổn thương các giá trị tốt đẹp của văn hóa gia đình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội nên cần có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Chương 3  trình bày thực trạng xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trước tác động của PTTTM qua các phân tích, đánh giá về công tác xây dựng hệ thống văn bản và thực tiễn quản lý nhà nước. Đồng thời, dự báo xu hướng biến đổi giá trị văn hóa gia đình trước tác động của PTTTM. Từ đó, nêu định hướng và các giải pháp phát huy tác dụng tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của PTTTM đối với xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam.

Với nhiều cách tiếp cận khác nhau để thu thập thông tin, số liệu mang tính hệ thống, đầy đủ nhằm đưa ra những phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp phù hợp thực tế, quyển sách “Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với văn hoá gia đình Việt Nam” là công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn giúp các cơ quan quản lý có chính sách phù hợp phát huy mặt tích cực và hạn chế tối đa những tác động không tốt của PTTTM đối với văn hóa gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sách cũng là tài liệu hữu ích dành cho người làm công tác văn hóa và truyền thông, cũng như bạn đọc quan tâm đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
- K
ý hiệu phân loại:
306.8509597 / T101Đ
- Phòng đọc: DV.059823;
- Phòng mượn:
MA.024588; MA.024589.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây