Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám : Tháng Tám 1945 - tháng chạp 1946 / Nguyễn Kiến Giang. - H. : Đại học Sư phạm, 2019. - 336tr.; 21cm. - (Tủ sách Sử học)

Chủ nhật - 02/08/2020 21:58 3.660 0
Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám : Tháng Tám 1945 - tháng chạp 1946 / Nguyễn Kiến Giang. - H. : Đại học Sư phạm, 2019. - 336tr.; 21cm. - (Tủ sách Sử học)
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”. Ngay sau đó, khoảng thời gian từ tháng Tám 1945 đến tháng Chạp 1946 là thời kì đấu tranh bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ và nền độc lập vừa mới dành được, là một trong những thời kỳ phức tạp nhất của cách mạng Việt Nam.

Trong thời kỳ này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân toàn quốc đấu tranh và đặt nền móng đầu tiên của chính quyền nhân dân, của chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam, những nền móng để tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài sau này. Quyển sách “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám: Tháng Tám 1945 - tháng chạp 1946” do Nguyễn Kiến Giang biên soạn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành năm 2019 sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều tri thức có giá trị về lịch sử dân tộc ở thời điểm này. 
Sách dày 336 trang, nội dung gồm 4 chương:

Chương 1 “Cách mạng nhân dân và chính quyền nhân dân” phân tích tính chất nhân dân, ý nghĩa và nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đồng thời làm rõ sự hình thành của chính quyền cách mạng và nội dung giai cấp của chính quyền nhân dân. Từ đó, khẳng định Cách mạng tháng Tám là một cuộc cách mạng nhân dân sâu sắc và rộng rãi, là thắng lợi rực rỡ của khối liên minh công nông. 

Chương 2 “Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến mồng 6 tháng 3 năm 1946” viết về: Tình trạng mong manh của chính quyền nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ giữ vững chính quyền nhân dân; Xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân; Những ngày đầu của cuộc kháng chiến miền Nam; Đấu tranh chống bọn Tưởng Giới Thạch và bè lũ phản cách mạng trong nước: Đấu tranh chống nạn đói ở miền Bắc và cuộc chiến trên mặt trận văn hóa.

Chương 3 phân tích chủ trương hòa để tiến của Đảng và Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 năm 1946 và Tạm ước 14 tháng 9 năm 1945.

Chương 4 trình bày những diễn biến trong giai đoạn từ 14 tháng 9 năm 1946 đến 19 tháng chạp 1946: Đảng và Chính phủ kiên trì đường lối hòa bình, dồng thời tranh thủ lực lượng về mọi mặt; Những hành động bội ước của thực dân Pháp. Các vụ xung đột ở Hải Phòng và Lạng Sơn; Những vụ khởi hấn của thực dân Pháp ở Hà Nội và cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19 tháng chạp 1946. 

Qua từng trang sách, chúng ta càng thấy rõ diễn biến phức tạp của giai đoạn này: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Cuối tháng Tám năm 1945, lấy danh nghĩa quân Đồng minh, gần 20 vạn quân Tưởng, theo gót là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội ồ ạt kéo vào miền Bắc nước ta. Chúng ráo riết thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động. Đằng sau quân Tưởng là Mỹ với dã tâm đặt Đông Dương dưới chế độ “ủy trị” của họ. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa quân Đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau quân Anh là quân Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Thêm vào đó, nạn đói diễn ra khủng khiếp khi nhân dân và Chính Phủ không có một chút dự trữ nào. Vận mệnh nước Việt Nam mới như "ngàn cân treo sợi tóc”. Trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương sáng suốt, vừa vững vàng về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, đã tăng cường được thực lực cách mạng, xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945-1946, chuẩn bị điều kiện và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bài học kết hợp thành công giữa tính nguyên tắc và tính linh hoạt trong thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám, đã giúp đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà tiến tới thắng lợi rực rỡ. Kinh nghiệm quý báu này vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta vận dụng vào sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới hiện nay.

Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám: Tháng Tám 1945 - tháng chạp 1946” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704 / V308N
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.056716
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009781; MG.009782

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây