21 năm nối lại đôi bờ / Nguyễn Long Trảo sưu tầm và ghi chép. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 404tr.; 23cm

Thứ hai - 08/06/2020 23:27 1.456 0
21 năm nối lại đôi bờ / Nguyễn Long Trảo sưu tầm và ghi chép. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 404tr.; 23cm
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Theo thỏa thuận giữa các bên: nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền, sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước. Chỉ chín chữ: “Nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền” mà đất nước ta phải bị chia cắt trong suốt 21 năm dài. Suốt 21 năm ấy nhân dân cả hai miền Nam - Bắc phải đổ biết bao nhiêu xương máu, anh dũng chiến đấu hy sinh mới có thể nối lại đôi bờ Hiền Lương, cho non sông liền một dải.
Nhằm giúp bạn đọc các thế hệ sau hiểu biết chân thực một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc ta, tác giả Nguyễn Long Trảo - một cán bộ lão thành là người trong cuộc đã ghi chép nên quyển sách “21 năm nối lại đôi bờ”. Sách do Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019 dày 404 trang, với 4 phần chính: 
Phần thứ nhất “Chuyện của những người đi tập kết” với 23 ghi chép từ những mảnh ký ức chân thực của tác giả. Bạn đọc sẽ hình dung rõ ràng, cụ thể về một thanh niên Nam Bộ đã sống qua thời thanh xuân gắn liền với những sự kiện lịch sử - chính trị trọng đại của dân tộc từ ngày ký hiệp định Hiệp định Genève (1954) đến ngày thống nhất đất nước (30/4/1975). Cũng như nhiều người lên đường tập kết ra miền Bắc với niềm tin sẽ trở lại sau hai năm. Thế nhưng tác giả và đồng chí, đồng đội của mình phải sống xa gia đình, xa quê hương đến tận 21 năm đằng đẵng với bao nỗi niềm suy tư, trăn trở. Hiện lên trang sách có nỗi niềm ân hận xót xa của tác giả nhớ lại trước ngày đi tập kết đã từ chối cha muốn cắt tóc cho mình, khi trở về thì cha không còn nữa. Hay câu chuyện về những đôi vợ chồng mới cưới, ngày chia tay lên đường đâu ngờ lại chia ly mãi mãi. Trong bối cảnh lịch sử chung của đất nước bị chia cắt, mỗi cá nhân với số phận riêng và đều có nghịch cảnh của riêng mình. 
Phần thứ hai “Chuyện những người đi B” kể về những người lính xung phong lên đường về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Tác giả kể về 3 người thân trong gia đình mình đã vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu, trong đó có người anh là soạn giả Thanh Nha và người em là Ca Lê Hiến (tức nhà thơ Lê Anh Xuân) đã hy sinh trước ngày giải phóng miền Nam. Từng mẩu chuyện, từng dòng ghi chép được chắp nối là những tư liệu chân thực vô cùng quý giá gửi đến người đọc hơi thở cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào và chiến sĩ ở miền Nam. Ở đây tuy có nỗi niềm bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng, tất cả đều vì mục tiêu đất nước được thống nhất.
Phần thứ ba “Chuyện người ở lại”, tác giả tập hợp lời kể của một số cán bộ cách mạng được phân công ở lại làm nhiệm vụ trực tiếp cùng chung sức với nhân dân đấu tranh với kẻ thù đòi thi hành đúng đắn Hiệp định Genève. Cũng như người ra đi tập kết thì người làm nhiệm vụ ở lại đều xác định đó là trọng trách, “đi là tranh đấu, ở lại để đấu tranh” nhằm đảm bảo sự lãnh đạo thông suốt của Đảng trước mọi tình huống. 
Phần thứ tư “Tấm lòng nhân dân miền Bắc” viết về những hy sinh, đóng góp to lớn của nhân dân miền Bắc – hậu phương lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần tất cả vì miền Nam thân yêu, tất cả vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thanh niên miền Bắc đã “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Chính quyết tâm và lý tưởng cao đẹp đó đã tạo ra sức mạnh tổng lực làm nên đại thắng mùa xuân 1975 thu giang sơn về một mối.
Đọc “21 năm nối lại đôi bờ” để chúng ta thấy được ngày 30/4/1975 không chỉ có niềm vui vỡ òa của cả dân tộc khi non sông thống nhất, không chỉ có nụ cười rạng rỡ khi quê hương im tiếng súng, mà ngay lúc đó vẫn có nước mắt, niềm đau. Chúng ta cũng thấy được những đau thương dần được chữa lành trong sự bao dung với quá khứ, sự trân quý hiện tại và cái nhìn lạc quan ở tương lai dân tộc.
Quyển sách là một tác phẩm có giá trị để giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những con người thật, những câu chuyện thật, những tấm gương dũng cảm hy sinh oanh liệt mãi là niềm tự hào để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Đặc biệt, tinh thần nhân văn khép lại quá khứ, buông bỏ hận thù để hướng tới tương lai mà thế hệ cha anh gửi gắm cho thế hệ tiếp nối sẽ là hành trang cho sự hòa giải, hòa hợp dân tộc vì quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
* PHÒNG ĐỌC: 
- Ký hiệu phân loại: 959.7043 / H103M
- Số đăng ký: DL.017892
* PHÒNG MƯỢN:     
- Ký hiệu phân loại: 959.7043 / H103M
- Số đăng ký: MG.009744, MG.009745

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây