Đường về Thăng Long : Tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp / Nguyễn Thế Quang. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 567tr.; 23cm

Thứ hai - 03/05/2021 23:14 2.286 0
Đường về Thăng Long : Tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp / Nguyễn Thế Quang. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 567tr.; 23cm
   “Rời cầu Thê Húc, Bác dừng lại dưới chân Tháp Bút. Đưa mắt ngước lên ba chữ “Tả Thanh Thiên” hiện rõ như nhắc nhở, như thách thức, Bác hỏi Giáp:
   - Nếu bây giờ được viết lên trời mấy chữ, chú sẽ viết gì?
Giáp nói ngay: 
   - Cháu sẽ viết lên bốn chữ:
   QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG.
   Bác gật đầu, Giáp bèn hỏi: 
   - Dạ thưa Bác, nếu viết, Bác sẽ viết chữ gì ạ?
   Hồ Chủ tịch nói thong thả, rành rõ:
   - Với Bác, lúc nào cũng chỉ có bốn chữ:
   TỔ QUÔC TRÊN HẾT. 
    (Trích tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long")

   Trên đây là một đoạn đối thoại giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quyển tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long” được viết bởi nhà văn Nguyễn Thế Quang. Đây là quyển tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2019, dày 567 trang.

“Đường về Thăng Long” gồm 18 chương và phần vĩ thanh được viết với cảm hứng lịch sử về Thăng Long là kinh đô, biểu tượng của nền Độc lập, Tự chủ của dân tộc Việt Nam, là nơi muôn trái tim hướng về với bao khát vọng, là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử, bước chân của những người anh hùng từng lập nên những chiến công vĩ đại để bảo vệ nền Độc lập của dân tộc. Nhà văn Nguyễn Thế Quang đã chọn bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, khi những ngọn cờ của phong trào Cần Vương đã ngã xuống, lớp lớp sĩ phu và những trí thức Tây học cùng dân tộc tiếp bước đứng lên quyết giành lại non sông với nhiều cách nghĩ và hành động khác nhau. 
   Giới thiệu quyển tiểu thuyết này đến với bạn đọc, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết: 
“Chúng ta bắt gặp ở đây nhiều nhân vật đủ các thế hệ, các tầng lớp, làm nên diện mạo lịch sử của một thời chưa xa mà công chúng tưởng như đã “quen thuộc”: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại…
   Với một tư duy trầm tĩnh, đầy trách nhiệm với lịch sử, một sự lao động nghiêm túc, tác giả đã dày công khai thác muôn vàn tài liệu từ nhiều nguồn thông tin. Nhờ vậy, tác phẩm một mặt đã tái hiện khá chân thực lịch sử một thời với sự vận hành nghiệt ngã của nó, chỉ rõ sự lựa chọn quyết liệt, những cơ hội bị bỏ lỡ, những lối rẻ bất ngờ; mặt khác, với tư duy của một nhà văn đã từng có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết như Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, tác giả đã đi sâu khai thác đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người qua các xung đột dữ dội, những thành công và thất bại đau đớn, những bài học đắt giá, nhờ đó, thế giới nhân vật trở nên đa dạng, sinh động và chân thực”. 
    Các bạn hãy tìm đọc tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” để cảm nhận được những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá các sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước ta. Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhân vật chính của quyển tiểu thuyết lịch sử này.
    Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:  
   ▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / Đ561V
   ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.018191;
   ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010041; MG.010042
  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây