Ở R - Chuyện kể sau 50 năm / Lê Văn Thảo. - H. : Văn hoá dân tộc, 2019. - 219tr.; 21cm

Thứ hai - 05/04/2021 02:31 2.092 0
Ở R - Chuyện kể sau 50 năm / Lê Văn Thảo. - H. : Văn hoá dân tộc, 2019. - 219tr.; 21cm
Một người bạn trẻ hỏi tôi:
“R là gì? Có phải là rừng không?”.
“Ờ, vậy cũng được”, tôi đáp.

    Đây là những dòng chữ đầu tiên của hồi ký “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm”, một quyển sách không có lời tựa, không lời giới thiệu, không có mục lục mà chỉ có vỏn vẹn mấy dòng đối thoại rồi đi vào nội dung chính, nhưng nhà văn Lê Văn Thảo đã truyền tải đến bạn đọc những câu chuyện chân thật, sống động trong chiến tranh Việt Nam của những người làm văn nghệ sống và chiến đấu “ở R” - mật danh Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh.
    Sách được Nxb. Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2019. Với độ dày 219 trang, tác giả dẫn dắt bạn đọc cùng trở về những năm tháng đã cùng đồng đội chiến đấu ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam từ năm 1962 đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. 
    Mở đầu là hồi ức “Lên đường” kể về một thời thanh xuân khốc liệt, tác giả từ thân phận học trò "thư sinh mặt trắng" đi vào chiến khu trở thành một người thông thạo ở R, rành rẽ các đường rừng từ Đồng Tháp Mười đến miền Đông Nam Bộ. Ông đã nhẹ nhàng kể lại tỉ mỉ những chi tiết vô tình đã cuốn mình vào “gầm trời khốc liệt của nước non” khiến ông trở thành người lính dạn dày trong bom đạn vừa cầm súng, vừa cầm bút. 
    Tiếp đến là các hồi ức Ở Rừng; Đi với Sư đoàn 9; Lạc Rừng; Những người anh hùng là những chặng đường tác giả đã trải qua cùng đồng đội. Đó là sự gian khổ, sự khốc liệt và cả những mất mát hy sinh của người lính trong cuộc chiến.   
    Ở các hồi ức Móc gia đình; Đường dây giao liên kể về các chuyến đi của những người móc nối liên lạc giúp người ở chiến khu tìm lại người thân trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Đặt biệt, giúp bạn đọc hiểu về tính chất hiểm nguy của công tác giao liên, cũng như sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ xung kích ở tuyến đầu.
    Khi kể về “Trận đánh Mậu Thân 1968” đọng lại trong ký ức tác giả là nghĩa tình quân dân sâu nặng của những người dân ven đô Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc nổi dậy và tổng tấn công vào xuân Mậu Thân 1968. 
    Cuối cùng là các hồi ức “Lê Anh Xuân với Dáng đứng Việt Nam”; “Chuyện nhỏ thay cho lời kết” là những cảm xúc bồi hồi khi tác giả kể về những câu chuyện người thật việc thật đã qua. Đó là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên với những người đồng đội, đồng chí cũng là những gương mặt tiêu biểu cho nền nghệ thuật kháng chiến nước nhà. 
    Bằng giọng văn dí dỏm, “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm” là minh chứng sinh động cho lý tưởng sống, tinh thần lạc quan của những người chiến sĩ cách mạng giữa làn tên mũi đạn. Quyển sách là một tư liệu chân thực giúp những người trẻ hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào của dân tộc Việt Nam, về một thời thế hệ cha anh vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tạo nghệ thuật ngay tại chiến khu.
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
    ▪ Ký hiệu phân loại: 895.92283403 / Ơ460R        
    ▪ PHÒNG MƯỢN: MV.022637

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây