CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 16 (19/4 – 25/4/2021)

Thứ ba - 06/04/2021 04:15 1.067 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nghiên cứu cho thấy đọc sách giúp sống lâu hơn và ý nghĩa hơn” trích từ Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. https://vov.vn/doi-song/nghien-cuu-cho-thay-doc-sach-giup-song-lau-hon-va-y-nghia-hon-539388.vov

    Đọc mỗi ngày một chương sách là "lá bùa" xua đuổi tử thần đồng thời để sống một cuộc sống thú vị và ý nghĩa.
    Nghiên cứu gần đây cho thấy những người đọc sách thường sống trung bình thọ hơn hai năm so những người không thường xuyên đọc sách. Dữ liệu này được lấy từ Nghiên cứu về Sức khoẻ và Hưu trí do Viện Lão hoá Quốc gia Mỹ tài trợ. Công trình này nghiên cứu 3635 đối tượng, tất cả đều trên 50 tuổi và được các nhà nghiên cứu chia ra làm ba nhóm: nhóm những người không đọc sách, nhóm những người đọc tối đa 3,5 giờ một tuần và nhóm những người đọc trên 3,5 tiếng một tuần.
    Kết quả nghiên cứu đáng chú ý: Những người đọc sách đã sống thọ hơn những người không thường xuyên đọc sách là hai năm.
    Căn cứ vào những những yếu tố như trình độ học vấn, thu nhập và tình trạng sức khoẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy những người đọc trên 3,5 giờ mỗi tuần có ít khả năng tử vong 23% trong giai đoạn 12 năm. Những người đọc tối đa 3,5 tiếng mỗi tuần hay trung bình nửa giờ mỗi ngày có ít rủi ro tử vong 17%.
    Nói cách khác, giống như ăn kiêng và tập thể dục để khoẻ mạnh, sách dường như thúc đẩy một "một lợi thế trường tồn quan trọng”.
    Tại sao và điều đó đúng như thế nào hiện vẫn chưa rõ. Nghiên cứu chỉ nêu ra sự liên kết giữa đọc sách và tuổi thọ chứ không chỉ ra một quan hệ nhân quả. Song kết quả này cũng không gây ra nhiều ngạc nhiên. Bởi một nghiên cứu trước đó của các chuyên gia nghiên cứu thuộc trường Đại học Emory (Mỹ) cũng cho thấy việc đọc các tiểu thuyết có thể làm tăng sự kết nối bên trong của não bộ và khả năng thấu cảm.
    Theo báo cáo đăng trên chuyên san Brain Connectivity (Kết nối Não bộ), các nhà nghiên cứu Đại học Emory phát hiện rằng việc đọc sách đem lại nhiều lợi ích hơn chúng ta tưởng. Việc đọc được một quyển truyện hay hay một câu chuyện truyền cảm hứng gây tác động tích cực đến não bộ. Trưởng nhóm nghiên cứu Gregory Berns cho hay: "Những câu chuyện bổ ích giúp định hướng cuộc sống và trong một số trường hợp góp phần định hình nên con người”.
    Một nhóm đối tượng nghiên cứu đã được chụp sọ não bằng cộng hưởng từ (MRI) trước, trong và sau khi đọc sách để theo dõi hoạt động của các vùng khác nhau của não bộ. Mỗi người tham gia được yêu cầu đọc truyện "Pompeii” trong chín ngày liên tục vào buổi tối và được chụp sọ não bằng MRI vào buổi sáng ngày hôm sau. Sau chín ngày đọc, những người tham gia tiếp tục được chụp MRI trong năm ngày liên tiếp.
    Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động kết nối giữa các tế bào thần kinh tăng mạnh ở bán cầu não trái, khu vực có liên quan đến sự cảm thụ ngôn ngữ vào ban sáng. Ông Berns cho biết: "Ngay cả khi những người tham gia này không đọc sách khi lúc được chụp MRI, họ vẫn duy trì được mức kết nối cao ở não bộ”.
    Hiện nay, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc là ba nước dẫn đầu về tỉ lệ đọc sách nhiều nhất theo Chỉ số Văn hoá Thế giới. Mỹ đứng hàng thứ 23 sau các nước như Ai Cập, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức./.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
    - Ở R - Chuyện kể sau 50 năm.
    - 80 công thức làm nước ép và sinh tố.


                                             Ở R - CHUYỆN KỂ SAU 50 NĂM
     Một người bạn trẻ hỏi tôi:
    “R là gì? Có phải là rừng không?”.
     “Ờ, vậy cũng được”, tôi đáp.

     Đây là những dòng chữ đầu tiên của hồi ký “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm”, một quyển sách không có lời tựa, không lời giới thiệu, không có mục lục mà chỉ có vỏn vẹn mấy dòng đối thoại rồi đi vào nội dung chính, nhưng nhà văn Lê Văn Thảo đã truyền tải đến bạn đọc những câu chuyện chân thật, sống động trong chiến tranh Việt Nam của những người làm văn nghệ sống và chiến đấu “ở R” - mật danh Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh.
     Sách được Nxb. Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2019. Với độ dày 219 trang, tác giả dẫn dắt bạn đọc cùng trở về những năm tháng đã cùng đồng đội chiến đấu ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam từ năm 1962 đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.  
    Mở đầu là hồi ức “Lên đường” kể về một thời thanh xuân khốc liệt, tác giả từ thân phận học trò "thư sinh mặt trắng" đi vào chiến khu trở thành một người thông thạo ở R, rành rẽ các đường rừng từ Đồng Tháp Mười đến miền Đông Nam Bộ. Ông đã nhẹ nhàng kể lại tỉ mỉ những chi tiết vô tình đã cuốn mình vào “gầm trời khốc liệt của nước non” khiến ông trở thành người lính dạn dày trong bom đạn vừa cầm súng, vừa cầm bút. 
     Tiếp đến là các hồi ức Ở Rừng; Đi với Sư đoàn 9; Lạc Rừng; Những người anh hùng là những chặng đường tác giả đã trải qua cùng đồng đội. Đó là sự gian khổ, sự khốc liệt và cả những mất mát hy sinh của người lính trong cuộc chiến.   
    Ở các hồi ức Móc gia đình, Đường dây giao liên kể về các chuyến đi của những người móc nối liên lạc giúp người ở chiến khu tìm lại người thân trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Đặt biệt, giúp bạn đọc hiểu về tính chất hiểm nguy của công tác giao liên, cũng như sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ xung kích ở tuyến đầu.
     Khi kể về “Trận đánh Mậu Thân 1968” đọng lại trong ký ức tác giả là nghĩa tình quân dân sâu nặng của những người dân ven đô Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc nổi dậy và tổng tấn công vào xuân Mậu Thân 1968. 
    Cuối cùng là các hồi ức “Lê Anh Xuân với Dáng đứng Việt Nam”, “Chuyện nhỏ thay cho lời kết” là những cảm xúc bồi hồi khi tác giả kể về những câu chuyện người thật việc thật đã qua. Đó là những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên với những người đồng đội, đồng chí cũng là những gương mặt tiêu biểu cho nền nghệ thuật kháng chiến nước nhà. 
      Bằng giọng văn dí dỏm, “Ở R - Chuyện kể sau 50 năm” là minh chứng sinh động cho lý tưởng sống, tinh thần lạc quan của những người chiến sĩ cách mạng giữa làn tên mũi đạn.       Quyển sách là một tư liệu chân thực giúp những người trẻ hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đáng tự hào của dân tộc Việt Nam, về một thời thế hệ cha anh vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút sáng tạo nghệ thuật ngay tại chiến khu.
     Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 895.92283403 / Ơ460R; ▪ PHÒNG MƯỢN: MV.022637

                         80 CÔNG THỨC LÀM NƯỚC ÉP VÀ SINH TỐ

    Trái cây và rau củ chứa rất nhiều hoạt chất, sinh tố và chất khoáng giúp người ta khỏe mạnh, cảm thấy tràn trề sinh lực và chống lại bệnh tật. Pha chế nước trái cây và rau củ tươi mỗi ngày là công việc rất dễ dàng để cho ra những thức uống ngon lành, giúp bổ sung đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
    Quyển sách “80 công thức làm nước ép và sinh tố” sẽ giới thiệu đến bạn các công thức pha chế từ đơn giản đến phức tạp để tạo ra một ly nước ép hoặc sinh tố thơm ngon bổ dưỡng, cải thiện sức khỏe và thanh lọc cơ thể. Sách do Tường Vân biên soạn, Nxb. Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2020. 
     Với 67 trang, nội dung xoay quanh chủ đề về công thức làm nước ép và sinh tố được chế biến từ các loại rau củ quả và trái cây qua 4 phần: Các loại sinh tố thông dụng; Các loại nước ép dễ làm; Thức uống cho bữa điểm tâm sáng; Thức uống giàu năng lượng. 
    Ngoài những cách chế biến thông thường, bạn đọc sẽ được biết thêm các công thức mix với nhau mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như tạo nên những ly nước đầy màu sắc như: Sinh tố chuối xoài; Sinh tố nho-mâm xôi; Sinh tố dưa-kiwi; Nước ép thơm-chanh; Nước ép bưởi-dưa leo; Nước ép cam-kiwi;… Mỗi công thức đều đảm bảo dưỡng chất và hương vị. Sự đa dạng về chất sẽ đảm bảo mang lại cho bạn một cơ thể khỏe lạnh, một đời sống tinh thần thoải mái, đặc biệt là giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả. Sử dụng nước ép hỗ trợ đào thải độc tố và thanh lọc cơ thể là phương pháp được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. 
     Không chỉ mang đến cho bạn đọc những công thức để chế biến, quyển sách còn chia sẻ cách chọn và chuẩn bị nguyên liệu cũng như là những lưu ý như: cà rốt và táo có thể hòa tan với tất cả mọi món, đừng cho quá nhiều rau củ có vị gắt trong 1 loại nước ép,… Ngoài ra, quyển sách còn giới thiệu về các loại máy ép trái cây như: Máy ép trái cây họ cam; Máy ly tâm; Máy nghiền;…
     Với nhiều ảnh minh họa và nội dung hướng dẫn chi tiết về các kỹ năng chế biến, quyển sách “80 công thức làm nước ép và sinh tố” không chỉ tạo ra cho bạn những món nước có màu sắc đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao mà còn phù hợp với nhu cầu giải khát trong thời tiết mùa hè nóng bức, giúp bạn được khỏe từ bên trong và đẹp từ bên ngoài. 
Sách phục vụ bạn đọc tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 641.8 / T104M
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019470; ▪ PHÒNG MƯỢN: MD.009735; MD.009736

 III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
   
     Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin mời đến quý vị và các bạn câu chuyện Chuyện chiếc giỏ đựng than và quyền năng vô hình của thói quen đọc sách” do Lan Trần biên soạn trích từ báo điện tử Doanh nhân Sài Gòn.
https://doanhnhansaigon.vn/phong-cach-doanh-nhan/chuyen-chiec-gio-dung-than-va-quyen-nang-vo-hinh-cua-thoi-quen-doc-sach-1084281.html

    Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người - Voltaire
 
    Đã có bao giờ bạn cảm thấy dầu đã đọc thật nhiều sách nhưng dường như không tài nào nhớ nổi những nội dung hay kiến thức mình đã bắt gặp? Đừng lo lắng và cũng đừng dừng việc đọc sách, bởi vì hết thảy những kiến thức mà bạn tích lũy được vẫn ở nguyên trong trí não và chỉ chờ dịp thích hợp để bộc lộ mà thôi
       Chuyện chiếc giỏ than tinh sạch
     Chuyện kể rằng, có hai ông cháu sống cùng nhau. Mỗi sáng, người ông đều dậy sớm đọc sách, dù những cuốn sách đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình.
     Một ngày, cậu hỏi: "Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu chúng. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên ngay. Vậy đọc sách có ích lợi gì đâu?".
    Người ông liền đứng dậy, lấy hết than đang đựng trong giỏ rồi đặt tất cả vào lò, sau đó nói: "Cháu hãy mang giỏ này ra bờ sông và mang nước về giúp ông nhé!".
    Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước đã chảy ra hết trước khi cậu kịp quay về. Người ông liền cười và nói: "Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa". Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ để đi lấy giỏ nước khác.
    Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ vẫn trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói: "Chúng ta không thể đựng nước trong giỏ này được", và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.
     Người ông liền nói: "Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi". Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra sông lấy nước lần nữa. 
     Mặc dù cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời nên cậu cố chạy nhanh hết sức, song, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu nói: "Ông nhìn này, thật là vô ích!".
    "Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!", người ông đáp.
 
 
    Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì hình ảnh một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và dơ bẩn, nó trông rất sạch sẽ.
"Đó là những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ từ từ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, giống như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy".
    Vậy mới thấy, Sức mạnh vô hình của việc đọc sách và đọc sách thường xuyên là thói quen hữu ích như thế nào./.

    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại. 




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây