CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 17 (26/4– 02/5/2021)

Thứ ba - 06/04/2021 04:37 1.019 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “7 biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động vào mùa hè” trích từ Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.
    Khi mùa Hè đến, người lao động nói chung sẽ đối diện với những điều kiện khí hậu bất lợi liên quan đến nhiệt độ như tăng gánh nặng nhiệt, mắc các hội chứng say nắng, say nóng. Và đặc biệt là các công nhân làm việc ngoài trời, thì nhiệt độ là một mối nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của họ.
    Cơ thể người thường có khả năng duy trì nhiệt độ lý tưởng là 37 độ C. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và trong các hoàn cảnh khác nhau, cơ thể có cơ chế điều hòa nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể ở 37 độ C bằng cách sản sinh nhiệt để làm ấm khi nhiệt độ môi trường lạnh hoặc đổ mồ hôi khi nhiệt độ môi trường quá nóng. Tuy nhiên, ở nhiệt độ cực đại, khi không khí nóng hoặc nóng hơn cơ thể, cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thể theo kịp. Khi cơ thể bị rối loạn quá trình điều nhiệt thì một số vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiệt có thể xảy ra.
     Say nắng và say nóng là những bệnh nghiêm trọng nhất gây ra bởi các môi trường nóng, và gây nguy hiểm thực sự cho những người làm việc bên ngoài vào mùa hè. Trong các ngành nghề ngoài trời như xây dựng, sửa chữa đường bộ, khai thác lộ thiên và nông nghiệp thì nắng hè là nguồn chính của nhiệt. Trong các tiệm giặt là, nhà bếp của nhà hàng và cửa hàng đồ ăn nhanh, chế biến đồ hộp thì độ ẩm cao làm tăng gánh nặng về nhiệt. Trong tất cả các trường hợp, nguyên nhân gây ra sốc nhiệt là môi trường làm việc có nhiệt độ cao vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể.
     Nếu không có sự chăm sóc y tế ngay lập tức, đột quị vì nóng có thể gây tử vong cho người lao động. Trong những năm trước, người ta đã chết vì đột quị do nóng trong công việc do các ngành nghề khác nhau, từ công nhân nông nghiệp đến người chơi bóng đá. Kiệt sức do nóng, ngất xỉu, chuột rút và phát ban (đỏ da) là các nguy cơ sức khoẻ có liên quan đến nhiệt độ có thể gây ra cho người lao động.
     Các dấu hiệu cảnh báo:
Những nạn nhân bị say nóng thường không nhận ra các triệu chứng của chính họ, vì vậy sự sống còn của họ phụ thuộc vào khả năng của đồng nghiệp phát hiện các triệu chứng và tìm kiếm sự trợ giúp và trợ giúp y tế ngay lập tức, mặc dù có các triệu chứng khác nhau bao gồm:
Da khô, da nóng (do đổ mồ hôi);
Đổ mồ hôi nhiều;
Nhiệt độ cơ thể rất cao (thường vượt quá 41 độ C);
Ảo giác, nhầm lẫn, co giật và mất toàn bộ hoặc một phần ý thức;
Dấu hiệu kiệt sức do nóng bao gồm: Vã mồ hôi, Yếu, chóng mặt;
Khát;
Buồn nôn, nhức đầu, ói mửa, tiêu chảy;
Chuột rút;
Nhiệt độ cơ thể cao, mệt mỏi vì nóng có thể nhanh chóng chuyển sang say nóng. 
       
Làm thế nào để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe do nóng ???

     Tránh ánh nắng mặt trời: Di chuyển một số nhiệm vụ vào trong nhà hoặc nơi có bóng râm. Nếu không thể, hãy dựng mái che tạm thời. Thường xuyên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát để tránh ánh nắng mặt trời và nhiệt độ nóng. Lên lịch làm công việc ngoài trời vào thời gian mát hơn trong ngày (buổi sáng sớm, chiều muộn hoặc ca đêm).
     Đừng ngại đổ mồ hôi: Mồ hôi là cơ chế làm mát, hạ nhiệt hiệu quả nhất của cơ thể. Làm mát xảy ra khi mồ hôi bay hơi. Trong một số trường hợp có thể sử dụng quạt gió để luân chuyển không khí, làm giảm nhiệt độ môi trường làm việc và giúp cơ thể tỏa nhiệt tốt hơn.
Thích nghi với môi trường nóng: Đừng quá căng thẳng nếu bạn chưa quen với môi trường nóng. Có thể mất 7 đến 14 ngày để cơ thể có thể thích nghi hoàn toàn với một môi trường nóng. Để thực hiện tốt công việc ngoài trời, bạn nên thực hiện dần dần, thường xuyên nghỉ ngơi khi cần thiết. Hoặc người quản lý nên chia công việc cho nhân viên mới hoặc những người trở lại làm việc sau kì nghỉ và tăng khối lượng công việc dần dần theo từng ngày.
    Uống nhiều nước: Uống nhiều nước mát (trung bình 1 lít mỗi giờ) trong điều kiện thời tiết nóng. Uống mỗi 15 đến 20 phút dù bạn có cảm thấy khát hay không để thay thế sự mất nước qua mồ hôi. Tránh uống cà phê và rượu, có thể mất nước.
    Mặc quần áo thích hợp: Để tránh ánh nắng mặt trời và sức nóng khi làm việc bên ngoài, hãy bảo vệ cơ thể bằng quần áo được làm bằng một loại vải nhẹ, mát. Khi bạn làm việc dưới ánh nắng mặt trời mà không có áo sơ mi hoặc mũ, ánh nắng mặt trời sẽ làm khô mồ hôi quá nhanh và ngăn cản quá trình thải nhiệt của cơ thể.
    Theo dõi dấu hiệu: Tìm hiểu để nhận ra các dấu hiệu của bệnh say nắng, say nóng và làm thế nào để giúp họ hạ nhiệt tránh các hậu quả đáng tiếc.
     Có một kế hoạch cấp cứu các trường hợp say nắng, say nóng: Kế hoạch cấp cứu phải bao gồm dịch vụ sơ cứu và chăm sóc y tế. Nơi làm việc có thể xảy ra sốc nhiệt vì vậy cần theo dõi điều kiện lao động và đảm bảo rằng người lao động có thời gian nghỉ ngơi để sức khỏe được hồi phục.
      II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Trận quyết chiến cuối cùng.
     - Nặng tình đất & người.


                                       TRẬN QUYẾT CHIẾN CUỐI CÙNG

      Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta có những cuộc chiến chúng ta đã giành thắng lợi cuối cùng bằng những chiến dịch quân sự với những trận quyết chiến chiến lược vô cùng oanh liệt. Trong đó, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
     Nhằm gúp bạn đọc có thêm những hiểu biết chi tiết về chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Thư viện TP. Cần Thơ trân trọng giới thiệu quyển sách “Trận quyết chiến cuối cùng” do Nguyễn Đăng Vinh, Nguyễn Phương sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn xuất bản năm 2018. 
    Sách dày 290 trang giới thiệu đến bạn đọc 13 hồi ký của các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Đó là các hồi ký: “Chiến dịch Hồ Chí Minh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Phạm Chí nhân thể hiện; “Trận quyết chiến cuối cùng” của Đại tướng Hoàng Văn Thái do Trần Trọng Trung thể hiện; “Tiến vào hang ở cuối cùng của địch” của Thượng tướng Nguyễn Hữu An do Nguyễn Tư Đương thể hiện; “Quyết chiến và toàn thắng” của đồng chí Đặng Vũ Hiệp do Lê Hải Triều thể hiện; “Cánh Bắc - ngày cuối cùng của chiến dịch” của Trung tướng Nguyễn Hùng Phong; “Pháo binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh” của Trung tướng Doãn Tuế; “Binh đoàn quyết thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh” của Trung tướng Nguyễn Hòa; “Chỉ còn một ngày, chỉ còn một lần để lập công” của Thiếu tướng Hoàng Dũng; “Trong mùa xuân đại thắng” của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm; “Ngày 30-4-1975 ở Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh” của đồng chí Nguyễn Văn Quảng; “Đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh” của Thiếu tướng Tạ Vân; “Đòn điểm huyệt Bộ Tổng tham mưu ngụy” của Đại tá Tô Lạc; “Một số sáng kiến về tổ chức chỉ huy trận tấn công đánh chiếm phủ tổng thống ngụy” của Đại tá Bùi Văn Tùng; “Trận chiến đấu cuối cùng” của Đại tá Trịnh Minh Quát.
    Đọc những hồi ký của các đồng chí tướng lĩnh, cán bộ đã trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giúp chúng ta biết được chiến dịch Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là tinh thần quyết chiến, quyết thắng và niềm vui, niềm tự hào của quân và dân ta về chiến thắng chung của đất nước.
    Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng toàn bộ miền Nam Việt Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.
    Trân trọng giới thiệu quyển sách “Trận quyết chiến cuối cùng” đến quý bạn đọc. 
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 959.7043 / TR121QU; ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.054889; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009249; MG.009250

                                          NẶNG TÌNH ĐẤT & NGƯỜI

     Lao động là vinh quang. Lao động đem đến niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống. Chính trong lao động của cải vật chất và những giá trị tinh thần tốt đẹp được tạo ra và phát triển không ngừng. Người lao động với những cống hiến cho cộng đồng sẽ được tôn vinh và ghi nhận, là tấm gương truyền cảm hứng truyền năng lượng tích cực đến mọi người. 
     “Nặng tình đất & người” là quyển sách giới thiệu đến bạn đọc một số chân dung lao động tiêu biểu trong thời đại mới, cùng những tấm lòng nhân ái, tử tế và các tấm gương đổi mới, sáng tạo, khao khát vươn lên trong cuộc sống. Sách tập hợp 21 bài phóng sự, ký sự và 51 bức ảnh vào chung khảo cuộc thi viết phóng sự, ký sự và cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động" trên Báo Người Lao động năm 2019 - 2020. Đây là những tác phẩm tôn vinh cái đẹp trong cuộc sống lao động được chứa đựng đầy đặn tình cảm tâm huyết của các tác giả với nhiều giá trị đáng trân trọng. 
    Người đọc sẽ bắt gặp chân dung GS. NGND Lê Trí Viễn, người thầy dẫn dắt nhiều thế hệ trí thức nước ta trong bài viết “Người cắm choái” của Vu Gia. Ở tác phẩm “Tình biển Hoàng Sa” của Võ Quý Cầu là những trang viết về nghề lặn biển và lòng quyết tâm bám biển của những ngư dân làng Gành Cả (Quảng Ngãi); Tác phẩm “Xanh một vùng cao” của Như Thừa là những phản ảnh chân thực về cuộc sống của đồng bào Raglai đang khởi sắc với sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm tạo nên những mảnh ruộng vườn tươi tốt có giá trị cao. Bài viết “Chung niềm vui thiện nguyện” của tác giả Trần Chí Liêm là chân dung hai vợ chồng ông bà Bùi Thị Hồng Nga và ông Phan Đức Long (Cần Thơ) với những việc làm thiện nguyện vì người khuyết tật suốt 30 năm qua. Tác phẩm “Trả nghĩa cho thầy” của Lam Hậu Giang viết về thầy Trần Thanh Tú (Cần Thơ), người thầy khuyết tật nhưng vẫn tận tụy dạy học được nhiều thế hệ học trò yêu quý. 
     Cuối quyển sách là những tác phẩm nhiếp ảnh đầy màu sắc thể hiện sinh động nhịp điệu cuộc sống và nét đẹp lao động thật đáng quý trên khắp mọi miền đất nước. 
     Hy vọng rằng, khi giở từng trang “Nặng tình đất & người”, các bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng tích cực trong cuộc sống và trong lao động sáng tạo.
    Sách hiện được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số:
     K​​​​​ý hiệu phân loại: 079.597 / N116T;
     ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.018898;
     ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.011766; MH.011767

 III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin mời đến quý vị và các bạn tìm hiểu về ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của Nhạc sĩ Phạm Tuyên (Trích từ bài viết "Như có Bác trong ngày đại thắng' - Bản hòa âm cộng hưởng niềm vui” của Phương Lan -TTXVN đăng trên Báo điện tử Thể thao văn hóa). https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-ban-hoa-am-cong-huong-niem-vui-n20200430082215422.htm
 
    Đúng vào ngày 30/4/1975, sau bản tin chiến thắng, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát ngay lập tức đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người con đất Việt, được hát vang trên khắp mọi miền Tổ quốc.

   Cho đến bây giờ, Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn luôn vang lên khắp mọi nẻo đường, trong mọi cuộc vui. Không chỉ vào ngày thống nhất, mà trong bất cứ lễ kỷ niệm hay niềm vui chung nào của toàn dân tộc, những người con đất Việt lại ca vang bài hát, như một bản bản hòa âm cộng hưởng niềm vui...
    Khúc hoan ca mừng chiến thắng   
    "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng. Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam Hồ Chí Minh.Việt Nam Hồ Chí Minh. Việt Nam Hồ Chí Minh.Việt Nam Hồ Chí Minh".
    Bài hát vỏn vẹn 60 ca từ đã có tới 20 từ là “Việt Nam Hồ Chí Minh”, giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích… thế nhưng ca khúc Như có Bác trong ngày Đại thắng lại có một sức sống bền bỉ, mãnh liệt thậm chí vượt quá cả sự mong đợi của chính tác giả bài hát - Nhạc sĩ Phạm Tuyên.
     Nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt tên bài hát là Như có Bác trong ngày đại thắng. Nhưng mọi người Việt Nam vẫn quen gọi đó là bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, theo câu hát mở đầu trong bài.  
     Nói về sự ra đời của bài hát, Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, đầu tháng 4/1975, thời điểm ông đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Lâm giao nhiệm vụ cho nhạc sĩ: Sắp tới ta sẽ có những trận thắng lớn, các nhạc sĩ phải có sáng tác mừng ngày chiến thắng. Nhận nhiệm vụ, Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhanh chóng phác thảo một bản hợp xướng lớn với những chương, đoạn… Dù đã phác thảo xong, nhưng ông vẫn băn khoăn lắm, mãi chưa viết được thành tác phẩm.
     Cho đến tối 28/4/1975, khi ngồi nghe bản tin trên đài có đưa tin về sự kiện phi công ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm đó ông không ngủ, đứng ở cầu thang khu tập thể Khương Thượng (nơi ở của gia đình ông khi đó) và nghĩ, đã ném bom đến Tân Sơn Nhất rồi, chắc là giải phóng chỉ nay mai thôi.
     Nghĩ đến chiến thắng đã cận kề trong gang tấc, trong lòng người nhạc sỹ trào dâng niềm vui, trong niềm vui hân hoan đó, ông chợt nhớ đến lời trong bài thơ chúc Tết của Bác Hồ: “Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn” và nghĩ, nếu còn sống, chắc hẳn Bác Hồ cũng sẽ rất vui... Dòng suy nghĩ ấy cùng với mong muốn được góp một tiếng reo vui mừng của mình vào chiến thắng của dân tộc… khiến cảm xúc dâng trào, ông lập tức ngồi vào bàn, sau hai tiếng đồng hồ  bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” ra đời.
    Nói thay tiếng lòng hàng triệu trái tim Việt. Chia sẻ cảm xúc khi sáng tác bài hát, Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, lúc ấy, mọi thứ cứ hiện lên trong đầu, cảm xúc trào dâng, dường như đó không còn là tình cảm của riêng ông, mà là tình cảm của mọi người…
    Nói về cảm nhận của mình về sức sống lâu bền của bài hát, Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, bài hát ra đời vào đúng lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Lời bài ca là tình cảm, tiếng lòng của hàng triệu trái tim người con đất Việt. Nhờ có sự cộng hưởng đó, tác phẩm dù giản dị nhưng vẫn có sức sống lâu bền…
     … Mỗi năm, cứ đến tháng 4 lịch sử, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng lại vang lên khắp mọi nẻo đường. Dần dần, bài hát được hát không chỉ trong tháng 4, mà trong mọi cuộc vui, trong những ngày hội mừng của đất nước, của dân tộc, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” lại vang lên rộn ràng. Đặc biệt là sau chiến thắng của đội bóng đá lớn của nước nhà trên sân cỏ, trong những ngày hội lớn của dân tộc…
     Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi được nghe bài hát của mình vang lên, ông vẫn cảm động lắm. “Bài hát được công chúng yêu mến, hát nhiều chứng tỏ tác phẩm của mình đã đi vào tình cảm của nhiều thế hệ công chúng, từ các em nhỏ cho đến những người lớn tuổi… Đây là phần thưởng lớn nhất với người sáng tác như tôi”, Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ./.
   
 Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây