CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 20 (17/5– 23/5/2021)

Thứ tư - 12/05/2021 20:56 1.091 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những điều cần biết khi tiêm phòng vắc- xin ngừa COVID-19” của TS. BS. Phạm Quang Thái (Trưởng Văn phòng TCMR Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đăng trên Báo Sức khỏe và đời sống.
https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-khi-tiem-phong-vac-xin-ngua-covid-19-n187671.html

Được sự hỗ trợ của Liên minh COVAX và sự chủ động của một doanh nghiệp trong nước, lô vắc - xin ngừa COVID-19 đầu tiên do AstraZeneca sản xuất đã được đưa về Việt Nam. Đặc điểm của vắc- xin này khi sử dụng trên thế giới ra sao và người dân Việt Nam cần thông tin gì, bài viết này xin đưa ra những thông tin đã được nghiên cứu trên thế giới nhằm giúp độc giả hiểu hơn về loại vắc -xin này và những lưu ý khi tiêm chủng.

Vắc - xin ngừa COVID-19 bắt đầu được dùng rộng rãi từ cuối năm 2020 sau những thử nghiệm lâm sàng hết sức nghiêm ngặt trong bối cảnh chạy đua để kịp có vắc - xin an toàn và hiệu quả chống lại đại dịch.

Đôi nét về vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca
Vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca được WHO phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp vào ngày 15/02/2021. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 25 quốc gia cấp phép cho sử dụng vắc - xin này, trong đó có Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, đã có 4 quốc gia phê duyệt vắc - xin này chủ yếu với lý do về khả năng tiếp cận nguồn vắc- xin. Vắc - xin trải qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng tại 4 quốc gia với tỉ lệ bảo vệ khoảng 63% chống lại lây nhiễm, tuy nhiên theo hãng sản xuất, khả năng phòng các trường hợp nặng phải nhập viện và tử vong khi tiêm đủ liều lên tới gần 100%. Những nhóm nguy cơ được WHO khuyến cáo sử dụng gồm: Nhóm người trên 65 tuổi; nhóm người mắc bệnh nền; nhóm phụ nữ mang thai; nhóm phụ nữ cho con bú; nhóm người có nguy cơ tiếp xúc HIV (không cần thiết phải xét nghiệm nhiễm HIV trước khi tiêm vắc xin); nhóm người bị suy giảm miễn dịch (có thể tiêm vắc - xin nếu họ thuộc nhóm nguy cơ); nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó (vẫn có chỉ định tiêm chủng tuy nhiên không tiêm cho nhóm đang có xét nghiệm dương tính và chỉ tiêm sau khi điều trị khỏi 6 tháng).

Tại Việt Nam, chiến lược cho tiêm phòng vắc - xin là sử dụng cho nhóm chống dịch tuyến đầu, nhóm tiếp theo là nhóm lao động thiết yếu – cung cấp dịch vụ và đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người, sau đó mới tới nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền.

Đảm bảo an toàn tiêm chủng
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc COVID-19 cần xét nghiệm để đảm bảo không bị nhiễm virus. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng cần thông báo cho y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng/tiến triển cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể đổ oan cho việc tiêm chủng. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào, đặc biệt là dị ứng với liều tiêm vắc - xin COVID trước đó.
Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định của buổi tiêm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng. Phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu. Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có cán bộ y tế. Cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.

Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất có bất thường gì xảy ra với cơ thể mình. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng.

Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất 2 ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường gì về sức khỏe phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: Sốt cao trên 39°C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24h; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế.

Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm phòng vắc - xin ngừa COVID-19 không phổ biến nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết để tránh những rủi ro không đáng có. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vắc - xin cũng như góp phần giúp ngành y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vắc - xin và tiêm chủng./.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Nhân cách Bác Hồ : Mỗi người có thể học ở Bác một số điều.
- Đệ nhị thế chiến.

 
NHÂN CÁCH BÁC HỒ : MỖI NGƯỜI CÓ THỂ HỌC Ở BÁC MỘT SỐ ĐIỀU

Như giáo sư Trần Văn Giàu đã dẫn lời một nhà báo nước ngoài: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều gì làm cho mình trở thành tốt hơn...”

Quyển sách “Nhân cách Bác Hồ : Mỗi người có thể học ở Bác một số điều” là các bài viết được tuyển chọn từ báo Tuổi trẻ trong những năm qua về nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh; về tình cảm chân thành của nhân dân ta với vị lãnh tụ kính yêu. 

Sách Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2020 với độ dày 59 trang, tập hợp những bài viết của các học giả và những mẩu chuyện của nhân dân, kể cả những người chưa từng gặp được Bác. Những bài viết đều có điểm chung là thể hiện tình cảm sâu đậm đối với vị lãnh tụ kính yêu. Các bài viết được sắp xếp theo 2 phần:
Phần 1 “Di sản tinh thần” với các bài viết như: “Nhân cách Bác Hồ : Mỗi người có thể học ở Bác một số điều” của giáo sư Trần Văn Giàu; “Bác Hồ với bản hiến pháp dân chủ đầu tiên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Bác Hồ với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam: Làm sao cho nhân dân biết dùng quyền dân chủ của mình” của PGS. Song Thành; “Những lời nhắn nhủ cuối cùng của Bác về Đảng, về dân” của Minh Đức - Xuân Hà; ...

Phần 2 “Ký ức về Người” gồm các bài viết: “Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai” của Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên là cận vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Hai bài hát nước ngoài hay nhất về Hồ Chí Minh” của Lê Tiến; “Tấm lòng một nhà sư già xứ Phù Tang đối với Bác Hồ” của Yên Ba; “Bác và giáo sư Tôn Thất Tùng” của Hàm Châu;  “Ai là tác giả đoạn phim Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 02/9//1945?” của Lan Anh; “Theo dấu chân Người ở Sài Gòn” của Lưu Đình Triều; “Theo dấu chân Bác ở Vân Nam” của Lại Văn Sinh;… 

Lật giở từng trang sách, đọc những bài viết về Bác, dù là nghiên cứu của của một đời hay một lát cắt của ký ức…, dù là hệ thống các mệnh đề mang tầm phổ quát, chứa tính lý luận, hay chỉ là một mẩu chuyện đời thường bình dị…, dù là của nhà lãnh đạo, bậc thức giả, hay của một người chưa từng gặp Bác…, tất cả đều dội vào nội tâm, một sức vang sâu xa, có khả năng bồi đắp, thanh lọc, thay đổi nhận thức, hành động của mỗi người vinh dự được biết đến Người.  

Quyển sách là tài liệu thiết thực, đáng quý làm phong phú và ý nghĩa hơn cho thư viện nhà trường, tủ sách sách gia đình và ngăn sách bồi dưỡng tâm hồn của các bạn trẻ thêm một quyển sách học làm người - một quyển sách học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu. 
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 335.4346 / NH121C
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059337
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.012103; MH.012104

 
ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
 
Đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ngày 9/5/1945, khi đại diện Đức quốc xã ký thoả thuận chấp nhận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh kết thúc Thế chiến 2, thế giới vẫn còn đó những ấn tượng kinh hoàng, những dư âm và bài học còn nguyên giá trị. Cho đến nay đã có rất nhiều cuốn sách của nhiều nước viết về cuộc chiến tranh này. Trong đó, cuốn “Đệ nhị thế chiến” của  Abraham Rothberg, Pierce G. Fredericks và Michael O’Keefe, được các học giả Âu, Mỹ đánh giá là một cuốn sách có giá trị. Năm 2020, Nxb. Hồng Đức đã xuất bản quyển sách này qua bản dịch của Nguyễn Quốc Dũng.

Với độ dày 487 trang, nội dung được chia làm 4 chương: Tấn công; bao vây; Phản công; Chiến thắng, cuốn sách mang đến cho độc giả cái nhìn cận cảnh về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II ở các mặt trận của Anh và Mỹ, đồng thời nêu rõ vai trò của Nhật Bản và những hành động tàn ác của chủ nghĩa Phát xít ở châu Á, Thái Bình Dương. Theo ước tính, cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II đã làm tổng cộng 70-85 triệu người trên khắp thế giới đã thiệt mạng vì tội cố ý diệt chủng, vì bị tàn sát, bị đánh bom hàng loạt, bị bệnh tật và chết đói. Trong số này đau thương nhất có thể kể đến là vụ Trân Châu Cảng, vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nagasaki, và Đức Quốc xã sát hại một cách có hệ thống 11 triệu người Do Thái. Đến nay, những ấn tượng kinh hoàng của cuộc chiến vẫn chưa phai mờ trong ký ức nhân loại và đem đến những bài học còn nguyên giá trị, đó là chiến tranh phải được tránh bằng mọi giá, các nền dân chủ phải chống lại sự xâm lược, và các quốc gia cần phải kiềm chế trong khi tìm kiếm lợi ích mà không phải sử dụng vũ lực.

Với trên 500 bức ảnh minh hoạ quý hiếm của những phóng viên chiến trường tay nghề cao, cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh, sống động. Đây cũng là tư liệu giá trị lý giải việc chọn thời cơ giành độc lập một cách sáng tạo, đúng thời điểm của Việt Nam vào năm 1945. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, bài học về đoàn kết các lực lượng tiến bộ của loài người trong mặt trận đấu tranh chống các thế lực hiếu chiến, ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình trên thế giới vẫn còn nguyên giá trị.

Các bạn hãy tìm đọc cuốn sách “Đệ nhị thế chiến” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 940.53 / Đ250NH
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019277; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010494

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin mời đến quý vị và các bạn bài viết “Cô gái trẻ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc” của Tấn Đạt đăng báo Thanh niên. 
https://thanhnien.vn/gioi-tre/co-gai-tre-tham-gia-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh-cua-lien-hiep-quoc-1355606.html

Khi biết mình được tuyển chọn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan, chị Lê Na cảm thấy rất tự hào.

Chị Lê Na, 25 tuổi, quê Bến Tre, hiện là kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng. Chị Lê Na là quân nhân chuyên nghiệp, với quân hàm thiếu úy. Tháng 3.2021, chị lên đường tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Nam Sudan.

2 lần nộp hồ sơ vì tò mò
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên về cơ duyên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, chị Lê Na kể hồi năm 2018, chị tình cờ được nghe giới thiệu về Bệnh viện Quân y 175 trong một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm khi vừa tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM. “Thú thực lúc đó mình không quan tâm đến bệnh viện về quân đội, nhưng khi nghe giới thiệu mình thấy hay, bị kích thích sự tò mò. Mình quyết nộp hồ sơ và cũng không hy vọng nhiều. Nhưng bất ngờ là mình được gọi thử việc chỉ sau hơn 1 tuần...”, chị Lê Na kể lại.

Cô gái 25 tuổi tiếp tục chia sẻ, khi hay tin nơi công tác có đợt đào tạo học tiếng Anh để chuẩn bị cho chuyến công tác tại bệnh viện dã chiến lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ, chị lại một lần nữa tham gia đăng ký. “Mặc dù có nghe đồng nghiệp làm nhiệm vụ này từ lâu, nhưng bản thân chưa biết nhiều về công việc này. Tò mò muốn được đi, được trải nghiệm, thế là một lần nữa mình quyết định ứng cử xem sao”, Lê Na chia sẻ.

Chị Lê Na cho hay cảm thấy rất tự hào khi là một trong nhiều người trẻ ở đơn vị được tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3
“Khi biết tin chính thức được tuyển chọn, cảm xúc mình lâng lâng khó tả. Điều quan trọng là mình được tham gia một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, càng được học tập càng thấy thú vị”, chị Na nói.

Chị Lê Na còn thông tin thêm bản thân sẽ nhận nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho nhân viên phái bộ của LHQ và giải quyết căn bản các cấp cứu nội ngoại khoa... "Để đạt được tiêu chuẩn, chúng mình phải học tập rất nhiều những quy định, chính sách, chế độ, pháp chế, tôn giáo... Về chuyên môn cũng phải theo tiêu chuẩn của WHO, các kiến thức về phòng chống dịch, kể cả những kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt...", chị Na nói.

Sẽ mang kẹo dừa giới thiệu bạn bè quốc tế
Nói về công việc mình sẽ tham gia vào cuối tháng 3 này, chị Lê Na háo hức chia sẻ đây là cơ hội để bản thân giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thậm chí là ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chị Na nói: “Mấy chị em trong đoàn cũng có dự trù vải để may khẩu trang đem tặng, rồi chuẩn bị một số món “hand made” nữa. Một số bột mang qua làm các món bánh như bánh xèo miền Tây để giao lưu với bạn bè các nước khác. Đặc biệt là giới thiệu kẹo dừa, một món ăn không thể bỏ qua khi nhắc đến Bến Tre quê mình...”.
Cô gái xứ dừa còn bộc bạch: “Mình là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia nhiệm vụ đặc biệt này nên rất là tự hào. Tuy nhiên, mình cũng khá lo lắng vì còn thiếu nhiều kinh nghiệm và kỹ năng”.

Lê Na thích nấu ăn và đọc sách những lúc rảnh rỗi
Chị Lê Na tâm sự: “Cha mẹ luôn hiểu và ủng hộ quyết định của mình. Đương nhiên ai cũng muốn làm việc ở gần gia đình, nhưng với mình đây sẽ là một khoảng thời gian trải nghiệm quý giá trong cuộc đời mà không phải ai cũng có được. Tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc là niềm hạnh phúc”./.

     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây