CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 18 (03/5– 09/5/2021)

Thứ tư - 12/05/2021 02:58 917 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Ngồi lâu không tốt chút nào” trích từ báo Tuổi trẻ.
https://tuoitre.vn/ngoi-lau-khong-tot-chut-nao-20171109150833553.htm

   Bạn có biết, thời gian ngồi trung bình của một người lớn là 9,3 giờ/ngày, tức là nhiều hơn cả thời gian mà chúng ta dành để ngủ (7,7 giờ/ngày).
   Điều đáng nói là cấu tạo của cơ thể không thích hợp cho việc ngồi quá lâu, và điều đó có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
   - Những người ngồi liên tục hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người ngồi ít hơn 3 tiếng.
   - Những người làm việc ngồi có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp đôi những người làm việc đứng.
   - Ngồi nhiều là nguyên nhân gây béo phì: trung bình người béo phì ngồi nhiều hơn người bình thường 2,5 giờ.
   - Ngồi nhiều là nguyên nhân gây ra các bệnh: sỏi thận, sỏi niệu, vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa…
   - Khi bạn ngồi nhiều sẽ dẫn đến:
   + Mất điện giải ở các cơ chân
   + Giảm đến 90% lượng enzyme phân hủy chất béo
   + Sau 2 giờ: Giảm 20% lượng cholesterol tốt cho cơ thể
   + Sau 24 giờ: Giảm 24% tác dụng của insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
   Chúng ta ngồi quá nhiều: ở văn phòng, khi lái xe, trên xe bus, trước máy tính, trước tivi… Hãy hạn chế ngồi một chỗ bất cứ khi nào có thể, thay vào đó: đứng lên, vận động tay chân mỗi giờ, đi bộ, đạp xe đạp, đi cầu thang bộ thay vì thang máy…
   Khi ngồi, ngả người ra phía sau khoảng 135 độ sẽ tạo ít áp lực cho lưng so với ngồi thẳng hay cúi người về phía trước.
   Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
         -  Bác Hồ - Cây đại thọ.
         -  Đường về Thăng Long.
                             BÁC HỒ - CÂY ĐẠI THỌ

     Bác Hồ - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu, khiêm tốn giản dị và vĩ đại của chúng ta - Người như cây đại thọ xanh tươi ngả bóng che mát cả cả ba phần tư thế kỷ 20 ở nước ta. 
    Quyển sách “Bác Hồ - Cây đại thọ” do Đoàn Minh Tuấn ghi chép, Nxb. Trẻ xuất bản năm 2019. Sách dày 166 trang, gồm gồm 22 mẩu chuyện nói lên tình yêu nhân dân, yêu tổ quốc của Bác Hồ và lòng kính yêu vô hạn của đồng bào đối với Người.
    Đây là một công trình của một nhà văn với lòng kính yêu ngưỡng mộ Bác Hồ đã đi tìm và trực tiếp gặp gỡ với nhiều người trong nước, ngoài nước và đã đi đến Tân Trào, Pác Pó, Kim Liên… ghi chép lại những đoạn truyện kể về Bác Hồ kính yêu. Tiêu biểu là những câu chuyện như: Đúc tượng Bác, treo ảnh Bác; Làng Sen thuở ấy; Lòng yêu nước, ánh sáng và tinh thần quốc tế, Nồng nàn tình yêu dân, yêu Tổ quốc; Đường về Pác Bó; Tình cảm lớn lao của Bác Hồ với thương binh; Ngày xuân Bác đến thăm đền Cổ Loa; Phổ nhạc thơ xuân của Bác; Chúc tết Bác, ngâm thơ Bác; Nhật ký trong tù ở Romania; Tư tưởng Hồ Chí Minh trong “Nhật ký trong tù”,…
    Hầu hết những mẩu chuyện tác giả tập hợp trong tập sách này đều được đăng tải trên các báo trong hai thập kỷ qua, giúp bạn đọc càng hiểu hơn Bác - một lãnh tụ cách mạng được thế giới ca tụng là người “có ý chí sắt thép” nhưng cũng rất đỗi bình dị, nhân ái. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm “Tổ quốc ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”
    “Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hằng ngày của mình, Hồ Chủ tịch đối xử với người, với việc luôn luôn có lý, có tình. Bác Hồ là muôn vàn tình yêu thương với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu thương đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai và sắp xếp cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa yêu thương dìu dắt”. 
    Trân trọng giới thiệu quyển sách “Bác Hồ - Cây đại thọ” đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
    ▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / B101H
    ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.057491
    ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009990; MG.009991

 
ĐƯỜNG VỀ THĂNG LONG
TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

   “Rời cầu Thê Húc, Bác dừng lại dưới chân Tháp Bút. Đưa mắt ngước lên ba chữ “Tả Thanh Thiên” hiện rõ như nhắc nhở, như thách thức, Bác hỏi Giáp:
   - Nếu bây giờ được viết lên trời mấy chữ, chú sẽ viết gì?
   Giáp nói ngay: 
   -  Cháu sẽ viết lên bốn chữ:
   QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG.
   Bác gật đầu, Giáp bèn hỏi: 
   - Dạ thưa Bác, nếu viết, Bác sẽ viết chữ gì ạ?
Hồ Chủ tịch nói thong thả, rành rõ:
   - Với Bác, lúc nào cũng chỉ có bốn chữ:
   TỔ QUÔC TRÊN HẾT. 
(Trích tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long").

Trên đây là một đoạn đối thoại giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quyển tiểu thuyết lịch sử “Đường về Thăng Long” được viết bởi nhà văn Nguyễn Thế Quang. Đây là quyển tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2019, dày 567 trang.

“Đường về Thăng Long” gồm 18 chương và phần vĩ thanh được viết với cảm hứng lịch sử về Thăng Long là kinh đô, biểu tượng của nền Độc lập, Tự chủ của dân tộc Việt Nam, là nơi muôn trái tim hướng về với bao khát vọng, là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử, bước chân của những người anh hùng từng lập nên những chiến công vĩ đại để bảo vệ nền Độc lập của dân tộc. Nhà văn Nguyễn Thế Quang đã chọn bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, khi những ngọn cờ của phong trào Cần Vương đã ngã xuống, lớp lớp sĩ phu và những trí thức Tây học cùng dân tộc tiếp bước đứng lên quyết giành lại non sông với nhiều cách nghĩ và hành động khác nhau. 
 
Giới thiệu quyển tiểu thuyết này đến với bạn đọc, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết: 
“Chúng ta bắt gặp ở đây nhiều nhân vật đủ các thế hệ, các tầng lớp, làm nên diện mạo lịch sử của một thời chưa xa mà công chúng tưởng như đã “quen thuộc”: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại…
Với một tư duy trầm tĩnh, đầy trách nhiệm với lịch sử, một sự lao động nghiêm túc, tác giả đã dày công khai thác muôn vàn tài liệu từ nhiều nguồn thông tin. Nhờ vậy, tác phẩm một mặt đã tái hiện khá chân thực lịch sử một thời với sự vận hành nghiệt ngã của nó, chỉ rõ sự lựa chọn quyết liệt, những cơ hội bị bỏ lỡ, những lối rẻ bất ngờ; mặt khác, với tư duy của một nhà văn đã từng có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết như Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống, tác giả đã đi sâu khai thác đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của con người qua các xung đột dữ dội, những thành công và thất bại đau đớn, những bài học đắt giá, nhờ đó, thế giới nhân vật trở nên đa dạng, sinh động và chân thực”. 

Các bạn hãy tìm đọc tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” để cảm nhận được những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá các sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước ta. Đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhân vật chính của quyển tiểu thuyết lịch sử này.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:  
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / Đ561V
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.018191;
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010041; MG.010042

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin mời đến quý vị và các bạn bài viết “Những điều cần biết đối với cử tri về bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND sắp tới” đăng trên báo Lao động.
https://laodong.vn/thoi-su/nhung-dieu-can-biet-doi-voi-cu-tri-ve-bau-cu-db-quoc-hoi-va-hdnd-sap-toi-883811.ldo

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23.5.2021. Sau đây là những điều cần biết đối với cử tri về cuộc bầu cử quan trọng này.
 
Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử

Theo Điều 27, Hiến pháp 2013, Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
Còn theo Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 cũng quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, công dân đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Nguyên tắc lập danh sách cử tri
Theo Điều 29, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, nguyên tắc lập danh sách cử tri được xác định:
Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này;
Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú;
Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân;
Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri;
Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Những mốc thời gian bầu cử quan trọng
Theo Kế hoạch 42/KH-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia, các mốc thời gian trong cuộc bầu cử quan trọng này như sau:
Chậm nhất 4.3.2021 (80 ngày trước ngày bầu cử): Công bố số đơn vị bầu cử; danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu Quốc hội dự kiến ở mỗi đơn vị bầu cử; Công bố số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã; danh sách các đơn vị bầu cử; số lượng đại biểu dự kiến được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử;
Chậm nhất 14.3.2021: Thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; Thành lập Ban Bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã (70 ngày trước bầu cử);
Chậm nhất 13.4.2021: Niêm yết danh sách cử tri (40 ngày trước bầu cử);
Chậm nhất 28.4.2021: Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội (25 ngày trước bầu cử);
Ngày 23.5.2021: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;
Chậm nhất 2.6.2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp (10 ngày sau bầu cử);
Chậm nhất 12.6.2021: Công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội. (20 ngày sau bầu cử);

Nguyên tắc bỏ phiếu
Theo Điều 69, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, Nguyên tắc bỏ phiếu:
Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân;
Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri;
Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu;
Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử;
Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử;
Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác;
Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri;
Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu;

Địa điểm và thời gian bỏ phiếu bầu

Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương, địa điểm bỏ phiếu là: nhà văn hóa, hội trường, trường học,... và căn cứ mật độ phân bổ dân cư ở khu vực bỏ phiếu.
Theo Điều 71, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h - 19h tối cùng ngày. Việc bỏ phiếu có thể sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.  VƯƠNG TRẦN


    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây