NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TP. CẦN THƠ 20 NĂM PHÁT TRIỂN

Thứ ba - 31/10/2023 03:38 134 0
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Dịch vụ viễn thông và Internet phát triển, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, tăng dung lượng và mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngày càng rút ngắn khoảng cách thông tin giữa thành thị và nông thôn. Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CÐS) đã có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới.

https://baocantho.com.vn/imagetsdt/tsdt/2023/20230806/images/20230717_160108.jpg
Sở TT&TT TP. Cần Thơ vừa mới tổ chức cho các doanh nghiệp viễn thông ký kết thỏa thuận đầu tư, quản lý, chia sẻ dùng chung hạ tầng viễn thông ngầm trên địa bàn thành phố.
 
Những thành tựu nổi bật
Theo Sở TT&TT TP. Cần Thơ, qua 20 năm phát triển của TP. Cần Thơ, hoạt động TT&TT đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố phát triển. Với một số kết quả nổi bật như các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động theo đúng định hướng của Ðảng và sự chỉ đạo của Nhà nước, thông tin, tuyên truyền tốt về những sự kiện, hoạt động quan trọng của đất nước. Hạ tầng mạng viễn thông có độ phủ tương đối tốt, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Ngành TT&TT tham mưu thành phố ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia CÐS, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp số, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố mạnh mẽ…

Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông và Internet, thời gian qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, tăng dung lượng và mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách thông tin giữa thành thị và nông thôn. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố được chú trọng đầu tư, phát triển. Mạng băng rộng cáp quang đến trên 79% hộ gia đình và thiết bị thông minh đạt tỷ lệ trên 85% người dân trưởng thành. Phủ sóng truyền hình số mặt đất tới 100% dân cư, phủ sóng thông tin di động và thông tin di động băng rộng (3G, 4G) đến 100% dân cư.

Thành phố đã hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường; Internet kết nối đến 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn thành phố. Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối từ trung tâm thành phố đến tất cả các xã, phường, thị trấn, mạng wifi công cộng được phủ sóng tại hầu hết các khu vực công viên, công cộng, bệnh viện, trường học, khu di tích, phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và sử dụng các dịch vụ công trên địa bàn thành phố… Hiện có 2.030 trạm phát sóng di động được lắp đặt trên địa bàn TP. Cần Thơ. Toàn thành phố hiện có 9 doanh nghiệp chủ lực hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, với khoảng 392 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông là hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm, nộp ngân sách hàng năm hơn 100 tỉ đồng.

Qua 20 năm phát triển, lĩnh vực ứng dụng CNTT, CÐS trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ việc ứng dụng CNTT ở bước cơ bản, các ứng dụng nhỏ lẻ, rời rạc… đến nay đã hoàn thiện hạ tầng số, nhiều nền tảng số và dữ liệu số được tạo lập, đẩy mạnh phát triển chính quyền số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành quản lý các ngành lĩnh vực hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Về kết quả xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật: mạng truyền số liệu chuyên dùng TP. Cần Thơ đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Ðảng, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố; Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì ổn định, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố phục vụ CÐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Kết quả xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu: Sở TT&TT đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt nâng cấp Kiến trúc chính quyền điện tử TP. Cần Thơ lên phiên bản 2.0, ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung TP. Cần Thơ và mã định danh điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP. Cần Thơ phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu… Triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung thành phố là trục kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung của thành phố và kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Trong đó, tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh là 100% (11/11 ứng dụng cần kết nối của TP. Cần Thơ); tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức là 82% (14/17)…

Kết quả xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ chính quyền số: cổng dịch vụ công TP. Cần Thơ và hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai từ năm 2019 cho các cơ quan sở, ban ngành, quận, huyện và xã, phường, thị trấn. Cổng dịch vụ công thành phố đã kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và đã thực hiện các chức năng như đăng nhập một lần (SSO), đồng bộ hồ sơ và triển khai máy chủ bảo mật theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống đã được nâng cấp, hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (tại địa chỉ dichvucong.cantho.gov.vn) đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định và đã chuyển đổi sang IPv6, đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã. Ðồng thời, hệ thống cũng đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân như tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân điền biểu mẫu, tờ khai điện tử bằng công nghệ e-form, hỗ trợ chữ ký số cá nhân, doanh nghiệp tạo điều kiện thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ…

Kết quả xây dựng, phát triển đô thị thông minh: triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Cần Thơ phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố trên 8 lĩnh vực; triển khai Cổng thông tin Du lịch và ứng dụng di động Du lịch thông minh; chuẩn bị đầu tư như xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS), dự án y tế thông minh (triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử). Ngoài ra, một số quận, huyện đã và đang xúc tiến triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và triển khai Trung tâm điều hành thông minh.

Phấn đấu vào nhóm 10 tỉnh, thành thực hiện CĐS tốt
Ngành TT&TT TP. Cần Thơ đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của ngành để xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, ngành TT&TT phấn đấu đưa TP. Cần Thơ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành thực hiện CÐS tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Ngoài ra, đến năm 2030 xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng TT&TT phủ khắp toàn thành phố với công nghệ hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, dịch vụ, nâng cao dân trí khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng dịch vụ TT&TT trong các lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, dịch vụ phát hành báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin của các cơ quan, tổ chức và nhu cầu được thông tin của nhân dân. Ngành TT&TT cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể để thực hiện đến năm 2030 trong lĩnh vực viễn thông, CNTT và CÐS.

https://baocantho.com.vn/imagetsdt/tsdt/2023/20230806/images/IMG-2087.jpg
Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Cần Thơ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND thành phố.

Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở TT&TT TP. Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian tới, thành phố tập trung nguồn lực hoàn thiện thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số. Ðặc biệt là tập trung phát triển dữ liệu số là trọng tâm cho hoạt động CÐS và xây dựng đô thị thông minh, đào tạo và phát triển nhân lực CÐS, thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực TT&TT… nhằm đạt mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển đến năm 2030 TP. Cần Thơ thuộc nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu CÐS.

Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, để thực hiện được kỳ vọng và mục tiêu đề ra, thành phố cần phải xúc tiến các hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn nữa đối với lĩnh vực TT&TT, nhất là tập trung cho phát triển nền tảng phục vụ CÐS và đồng thời có giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến chất lượng, hiện đại hóa nền hành chính, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa.
Bài, nh: Anh Khoa
 

Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ cập nhật ngày 08/8/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây