NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP

Thứ hai - 23/10/2023 23:54 492 0
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đều xác định giải pháp phát triển nguồn nhân lực cao của thành phố. Cụ thể hóa những nghị quyết này, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố có nhiều quyết sách trong đào tạo nguồn nhân lực. Ðến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC), người lao động và người dân thành phố được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2022/20220215/images/T6-a1.gif
Ðội ngũ CB, CC, VC thành phố được đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
 
Nâng chất đội ngũ cán bộ và người lao động
Quận Cái Răng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC. Trong 5 năm qua, quận có 15 CB được cử đi đào tạo thạc sĩ, 13 CB đi đào tạo đại học, 42 CB đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 207 CB đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Ðến nay, quận Cái Răng có gần 10% CB, CC, VC cấp quận có trình độ thạc sĩ, tăng 3,68% so với năm 2016; có 4% CB, CC cấp phường có trình độ thạc sĩ và trên 70% trình độ chuyên môn đại học, tăng 9% so với năm 2016. Về lý luận chính trị, có 96,7% CB, CC trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý quận và phường có trình độ từ trung cấp trở lên, tăng 26,12% so với năm 2016... Ðồng chí Lê Ðức Toàn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HÐND quận, khẳng định: “Quận ủy tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của quận trước mắt cũng như lâu dài, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển giai đoạn mới”.
Năm năm qua, huyện Cờ Ðỏ cử và tạo điều kiện để 55 CB, CC, VC đi đào tạo chuyên môn (30 người đào tạo đại học, 25 người đào tạo sau đại học); cử hơn 600 CB, CC, VC đi đào tạo lý luận chính trị, trong đó 50 người học cao cấp. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức 1 lớp đào tạo Ðại học Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 24 CB, CC, VC tham gia; tổ chức 1 lớp Ðại học Bảo vệ thực vật cho 42 CB, CC, VC tham gia. Ðặc biệt, UBND huyện phối hợp với Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức 2 lớp Cử nhân Ngôn ngữ Anh cho 72 CB, CC, VC huyện, xã, thị trấn và các trường học. Anh Võ Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cờ Ðỏ, chia sẻ: “Tôi tham gia lớp Ðại học Ngôn ngữ Anh tại huyện gần 3 năm nay. Khóa đào tạo đã giúp tôi bổ sung thêm kiến thức tiếng Anh, phục vụ công tác chuyên môn cũng như giao tiếp trong quá trình hội nhập và phát triển của địa phương”. Ðồng chí Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện, khẳng định, việc đẩy mạnh đào tạo đã góp phần xây dựng đội ngũ CB, CC, VC ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
Cùng với các địa phương, các trường đào tạo trên địa bàn thành phố cũng đã đóng góp nhiều kết quả trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Một trong những đơn vị tiêu biểu là Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Trường đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo; cử hàng chục giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn tại nước ngoài; tổ chức đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, theo nhu cầu xã hội. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của trường ngày càng được nâng lên. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm trường cung cấp cho TP. Cần Thơ và các tỉnh trong vùng 700 sinh viên tốt nghiệp có chất lượng. Trường có 5 nghề cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ ASEAN, quản trị mạng máy tính và ứng dụng phần mềm đào tạo theo tiêu chuẩn Australia, nghề công nghệ ô tô theo tiêu chuẩn của Ðức, nghề cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc.
Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ðến nay, đa phần đội ngũ CB, CC, VC thành phố có trình độ chuyên môn đại học; trong đó, có hơn 10% có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%...
Nâng cao trình độ của người dân
Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mọi thời điểm. Trước tiềm năng, lợi thế, nhất là khi TP. Cần Thơ vừa được Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù và thành phố đã và đang hình thành nhiều trọng điểm phát triển kinh tế như các khu công nghiệp, cảng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... với khả năng thu hút một lượng lớn lao động thì giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng phải được quan tâm và phát huy hiệu quả.
Ðể làm được điều này, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã và đang xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án về nâng chất nguồn nhân lực. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết “về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ CB lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo” và Ðề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2020-2030”.
Cùng với nâng cao trình độ của đội ngũ CB, CC, VC, thành phố đang có giải pháp và mục tiêu nâng cao trình độ của người dân, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Ðiển hình là UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn TP. Cần Thơ với mục tiêu chung là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân trên địa bàn thành phố đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế của thành phố.
Ðề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” xác định mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu đạt tỷ lệ 100% quận, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; phấn đấu có 70% quận, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; phấn đấu đạt tỷ lệ 90% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực về sử dụng công nghệ thông tin để tra cứu thông tin, học tập trên môi trường mạng; phấn đấu đạt tỷ lệ 90% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; phấn đấu đạt tỷ lệ 30% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 15% dân số có trình độ đại học trở lên; phấn đấu đạt tỷ lệ 90% công dân đạt danh hiệu công dân học tập… Ðồng thời, phấn đấu đến năm 2030 có 100% quận, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; phấn đấu đạt tỷ lệ 40% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó, 20% dân số có trình độ đại học trở lên; phấn đấu đạt tỷ lệ 98% công dân đạt danh hiệu công dân học tập…
Ðể thực hiện được những mục tiêu trên, UBND thành phố đề ra các giải pháp: tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời; triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Ðẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa. Bố trí nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định của pháp luật...
Có thể khẳng định, việc chú trọng nâng chất nguồn nhân lực đã và đang là động lực để thành phố phát triển theo định hướng của các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bài, ảnh: Anh Dũng
 

Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ cập nhật ngày 16/02/2022
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây