KHÁNH THÀNH CẦU CẦN THƠ

Thứ ba - 31/10/2023 04:31 413 0


Cắt băng khánh thành cầu Cần Thơ.
 
9 giờ sáng 24-4-2010, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ khánh thành và chính thức thông xe cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất, đẹp nhất Đông Nam Á, nối liền Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau.

Dự lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả hiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an; các ban ngành ở Trung ương và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các cán bộ cựu trào cách mạng; Ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL, cùng hàng nghìn đồng bào hai bên bờ sông Hậu. Bộ trưởng Giao thông vận tải Hoàng Nghĩa Dũng đã đọc lời khai mạc tại buổi lễ.

Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ khoảng 3,2 km về phía hạ lưu. Cầu Cần Thơ dự chi kinh phí xây dựng đầu năm 2004 lên tới trên 4.800 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA thông qua Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam; Bộ Giao thông Vận tải- Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km. Trong đó cầu chính dài 2,75km, mạng dây văng liên hợp bêtông dự ứng lực có chiều dài 1.010m, nhịp chính ở giữa cầu giữa dài 550m. Với thiết kế tổng hợp các kết cấu dầm thép, dự ứng lực, dầm super T (dầm super T trọng lượng nhẹ hơn các loại dầm khác nhưng độ dài dầm lại cao hơn, chịu tải trọng cao). Móng trụ tháp là loại cọc khoan nhồi có đường kính 2,5m, chiều sâu cọc khoan nhồi 94m, đây là loại cọc dài nhất trong thi công cầu ở Việt Nam. Mỗi cọc khoan dùng tới 45 tấn thép, tổng 2 trụ tháp ở bờ Bắc và Nam dùng tới 66 cọc khoan nhồi. Trụ tháp bờ Bắc (phía Vĩnh Long) thi công trên nền cạn nên đỡ vất vả hơn; riêng trụ tháp phía bờ Nam (36 cọc khoan nhồi) nằm ngay trên dòng sông Hậu nên đơn vị thi công đã áp dụng phương pháp toàn bộ mặt đáy và vòng bảo vệ chống nước được đúc sẵn trên bờ, sau đó lắp ghép trên đầu cọc thành ván khuôn liền với bệ trụ. Đây là phương pháp vừa giúp tiết kiệm chi phí khuôn đúc đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công. Toàn bộ cầu Cần Thơ có 216 sợi dây cáp, sợi dài nhất 289m, nặng 18,8 tấn; sợi ngắn nhất là 92,4m, nặng 3,5 tấn. Lúc cao điểm, tại công trình cầu Cần Thơ đã huy động tới 4 nghìn kỹ sư và công nhân, trong đó có 350 kỹ sư (khoảng 100 kỹ sư người Nhật Bản, còn lại phần lớn là kỹ sư Việt Nam).


Người dân thỏa niềm mong đợi khi cầu Cần Thơ được đưa vào hoạt động.

Đại diện Tập đoàn Nippon Steel (Nhật Bản) đã phát biểu bày tỏ lòng cảm thông, chia sẻ sâu sắc với thân nhân của các cán bộ, công nhân bị tai nạn trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ tháng 9-2007. Ông đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa những người thợ cầu Việt Nam với các cán bộ thiết kế, thi công phía đối tác Nhật bản. Sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ đã tăng cường thêm mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

Tiếp đó, ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã phát biểu, nêu bật ý nghĩa và lợi ích kinh tế-xã hội của cầu Cần Thơ, đồng thời khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc tế Nhật Bản-Việt Nam, tình hữu nghị truyền thống, bền vững, lâu dài của hai nước.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành và tuyên bố chính thức đưa vào sử dụng cầu Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Cầu Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động thỏa niềm mong đợi từ bao đời nay không những của người dân thành phố Cần Thơ mà là niềm mong đợi của cả nước. Cầu Cần Thơ sẽ góp phần thông thương tuyến thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh phía Nam sông Hậu; thông thương cả toàn tuyến quốc lộ 1 suốt dải non sông Bắc Nam thống nhất; giảm đáng kể thời gian chờ đợi qua phà và tránh nạn kẹt phà xảy ra thường xuyên trên quốc lộ 1. Cầu Cần Thơ được khánh thành sẽ mở ra những điều kiện, khả năng mới cho vùng đất ĐBSCL giàu tiềm năng, tăng cường giao thương giữa các vùng với miền Tây Nam bộ. Đây là một biểu tượng sinh động, một công trình thiết thực trong sự nghiệp đổi mới đất nước, không những có giá trị kinh tế-xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, an ninh, quốc phòng. Thành quả này là sự biểu hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt nam-Nhật Bản, là hiệu quả cao trong mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai nước Việt-Nhật. Trong tương lai, cầu Cần Thơ sẽ nâng bước cho ĐBSCL cất cánh trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…”  
Chu Mã Giang
 

Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân cập nhật ngày 24/04/2010

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây