PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ẨM THỰC BÁNH DÂN GIAN NAM BỘ

Thứ hai - 23/10/2023 22:52 324 0
VOV.VN - Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ năm nay diễn ra từ ngày 28/4 - 2/5 với nhiều nét đổi mới trong từng loại bánh, cũng như có sự tham gia của nhiều bạn trẻ yêu bánh dân gian, đã tạo nên màu sắc độc đáo, thu hút đông du khách.
 
Có mặt tại quảng trường quận Bình Thủy vào tối 30/4, nơi diễn ra Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ X, dù đã là ngày thứ 3 nhưng dòng người đổ về tham quan và thưởng thức bánh vẫn rất đông. Quầy bán khoảng 20 loại bánh dân gian như: bánh lá, bánh da lợn, bánh đúc gân… với nhiều màu sắc bắt mắt đang thu hút khá đông khách. Đến gần một phụ nữ khá lớn tuổi, trên tay cầm phần bánh lá chan nước cốt dừa với vẻ mặt rất vui, đó là bà Phạm Thị Tâm, ở huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.

"Đây là lần đầu tôi tham dự lễ hội ở đây, gian hàng bánh nào cũng thấy ngon hết, có những loại xưa rồi nhưng giờ thấy và chỉ ở lễ hội bánh dân gian này mới có thôi. Thấy những bánh đó được bày bán thì tôi cảm nhận ký ức ngày xưa lại quay về, lúc tuổi thơ cha mẹ tôi còn nghèo, vất vả ngoài đồng mà vẫn chạy về làm những chiếc bánh như vậy cho con cái ăn", bà Phạm Thị Tâm chia sẻ.

 

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ đã đưa thế hệ trẻ đến gần thêm với loại bánh quê hương và giúp người lớn tìm lại được ký ức tuổi thơ đầy thương nhớ.

Bánh dân gian Nam bộ là loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng của người dân vùng đất Phương Nam, phong phú về chủng loại do dân gian sáng tạo ra từ những loại nguyên phụ liệu được vun trồng trên chính mảnh đất của họ. Trải qua hàng trăm năm, có những loại bánh vẫn được truyền qua nhiều thế hệ nhưng cũng có nhiều loại thất truyền. Không chỉ bà Tâm, mà nhiều người lớn tuổi hay tìm đến lễ hội để mong gặp lại những chiếc bánh “tuổi thơ”.

Tâm tư thực khách là thế, với các nghệ nhân cũng như vậy. Nghệ nhân Rô Phi Á, ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, dù đã tham gia loại bánh bò nướng thủ công nhiều lần, nhưng bà vẫn rất hào hứng, mục đích chỉ lưu truyền loại bánh này và cho nhiều người cùng lứa tuổi có thể đến thưởng thức.
 Nghệ nhân Rô Phi A, đến từ tỉnh An Giang luôn giới thiệu với thực khách món bánh bò làm thủ công khi đến với Lễ hội.

Nghệ nhân Trương Thị Chiều, ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cũng bày tỏ tâm tư: "Mình giữ gìn lại để cho con cháu lớp trẻ sau này học hỏi, chẳng những vậy mình còn truyền bá rộng rãi ở trong đất nước và ra quốc tế. Người ta biết rằng ẩm thực của Việt Nam, mỗi món là có cái ngon đặc trưng riêng".
Từ những buổi đầu chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn lót dạ lúc lao động đồng xa của người xưa, ngày nay bánh dân gian đã được lưu truyền lại hàng trăm loại. Trải qua 10 lần tổ chức, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ đã phát huy được giá trị bảo tồn nền văn hóa ẩm thực dân gian và giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng.

Chị Thị Thu, du khách đến từ tỉnh Đắk Lắk bày tỏ: "Lần đầu tiên tôi đến với Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ ở Cần Thơ. Khi đến đây, tôi thấy người dân rất thân thiện và những loại bánh ở đây rất đặc biệt, vừa ngon, vừa đậm vị. Theo tôi, để bảo tồn, giá trị văn hóa này thì năm nào cũng nên tổ chức, để người dân đến nhiều hơn và biết được nhiều hương vị bánh của người miền Tây".

Bảo tồn – phát huy bánh dân gian Nam bộ là giá trị cốt lõi lễ hội hướng đến, mà người làm được điều này chính là thế hệ trẻ. Nhằm cổ vũ tinh thần cho lực lượng này, năm nay, Ban tổ chức đã mời nhà thiết kế Nguyễn Minh Công xuất hiện với vai trò đại sứ tại Lễ hội và lần đầu anh trình diễn bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các loại bánh dân gian (xôi vị, bánh xèo, bánh tằm khoai mì, bắp hầm và bánh đúc).
 
Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công xuất hiện với vai trò đại sứ tại Lễ hội để tiếp tình yêu những loại bánh quê hương cho giới trẻ.

Nhà thiết kế Nguyễn Minh Công tâm sự: "Tôi mang đến 5 tác phẩm, tin chắc rằng những chiếc bánh lần này là một thông điệp rất lớn để lan tỏa những món bánh dân gian miền Tây Nam bộ đến gần hơn với bạn bè thế giới".

Bên cạnh sự biến hóa bánh dân gian trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, người dân đến lễ hội còn thích thú với gian hàng của học sinh tiểu học, trung học và nghệ nhân trẻ. Các em đã thổi hết niềm say mê bánh dân gian của mình vào làm từng chiếc bánh, được khách hàng “ủng hộ” hết mình.

 

Nghệ nhân trẻ Lê Thị Hồng Đào thể hiện niềm đam mê với bánh dân gian khi tham gia Hội thi làm bánh dân gian năm nay.

Nghệ nhân trẻ Lê Thị Hồng Đào, học sinh trường THPT Nguyễn Việt Hồng chia sẻ tâm huyết khi làm chiếc bánh xu xê (phu thê): "Tôi đã kế thừa và mong rằng bánh này có thể đến tay mọi người, không chỉ ở cuộc thi mà còn ở những lễ hội khác. Tôi cũng có thể làm và quảng bá được truyền thống về bánh dân gian, để ẩm thực văn hóa này vươn tầm xa hơn".

Không chỉ sáng tạo ra những loại bánh ngon, nghệ nhân lâu năm hay những em nhỏ có niềm yêu thích bánh dân gian còn đổi mới nguyên liệu phù hợp nhu cầu khách hàng, mà vẫn còn nguyên “hồn cốt” của bánh. Bánh dân gian Nam bộ giờ đây đã “nức tiếng” gần xa, biết bao người tìm đến với Lễ hội bánh dân gian Nam bộ hằng năm chỉ để thưởng thức lại cái hương vị đặc trưng “thời thơ ấu” hay tìm hương vị mới khác món ăn thường nhật. Sự trao truyền – kế thừa – bảo tồn và phát huy đã tạo thành vòng tròn khép kín, để món bánh dân gian Nam bộ mãi là giá trị văn hoá ẩm thực độc đáo của vùng đất này và cho đến tận mai sau./.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL
 

Nguồn: Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam cập nhật ngày 02/05/2023
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây