DỊCH COVID-19 XUẤT HIỆN, NGƯỜI CẦN THƠ NGHĨA TÌNH “LẠ LẮM À NGHEN!”

Thứ hai - 23/10/2023 22:41 241 0
VOV.VN - Trong những ngày TP. Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, tình người tương trợ nhau lúc khó khăn thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chiếc xe máy của cô Liêu Thị Mỹ Hiếu
(thường gọi là cô Uyên) chất đầy hàng tặng người khó khăn
 
Những phần cơm, suất quà nhu yếu phẩm được chở trên chiếc xe máy của cô giáo đã về hưu, anh thanh niên “thất nghiệp” hay “ông bụt” giữa đời thường chuyên làm việc “bao đồng”, đã tạo nên một Cần Thơ thật khác.
Trên chiếc xe máy chất đầy nhu yếu phẩm, gần 1 tháng nay, cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (thường gọi là cô Uyên), sống tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ - là giáo viên về hưu, Chủ nhiệm CLB Nụ cười - đã rong ruổi trên mọi nẻo đường tìm tặng quà cho những người khó khăn, lao động nghèo, vô gia cư.
Gia đình không mấy khá giả, ngoài dạy lớp học tình thương, hàng ngày cô Uyên có kết móc khóa từ những hạt nhựa kiếm thêm thu nhập. Dịch đến, mọi công việc ngưng trệ, móc khóa cũng không thể bán được, khó khăn lại nhiều hơn. Tuy vậy, 38 năm dạy cho các em nhỏ ở lớp học tình thương, 10 năm gầy dựng CLB Nụ Cười chuyên trao quà cho người khó khăn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cô Uyên cùng những hội viên của mình chưa một ngày thôi làm thiện nguyện.


Đi trên đường gặp người khó khăn, cô Uyên liền tấp vào tặng nhu yếu phẩm
Đặc biệt, ngay khi Cần Thơ giãn cách xã hội vào ngày 12/7, cô Uyên đã đứng ra kêu gọi từng ổ bánh mì, từng hộp cơm chay, gạo, nhu yếu phẩm… để gửi đến bà con khó khăn. Tránh tụ tập đông người, cô đã tình nguyện phát quà một mình. Với chiếc xe máy, cô đi đi về về một ngày mấy lượt, từ sáng tới tối để hoàn thành “nhiệm vụ” mà mạnh thường quân gửi trao.
“Ngay trong lúc dịch, bà con của mình gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cô chú anh chị còn đi lụm bọc, lụm giấy… thấy tội nghiệp lắm. Nên tôi cố gắng đi đến bà con, nếu mình đi xe honda vậy thì rất là đỡ là mình đi vào được các con hẻm, ở ngoài đường mình dừng lại cũng dễ. Chiếc xe chất lên 1 lần được 10 phần, bên hông xe, trước xe đều được chất đầy quà, đi đến đâu cho đến đó”, cô Uyên tâm sự.


Chiếc xe tái chế của anh Lưu Thành Tuấn, hàng ngày chở khoảng 100kg rau tặng bà con
8h sáng mỗi ngày, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch, đeo tấm kính chống giọt bắn, anh Lưu Thành Tuấn, ở tại số nhà 132B, đường số 3 - Khu dân cư Đại Ngân, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, lại bắt đầu hành trình “chuyến xe rau 0 đồng” đến với các khu phong tỏa, cách ly và sinh viên khó khăn.
Phương tiện để anh Tuấn di chuyển là chiếc xe máy được thiết kế lại, có thể chở được 100kg rau đủ loại. Giữa cái thời tiết “đỏng đảnh” mưa nắng thất thường của Cần Thơ, lại bận lớp bảo hộ kín mít, nhiều khi anh Tuấn thở hổn hển nhưng chưa bao giờ ngưng nhiệt huyết “trao gửi yêu thương”.


Anh Tuấn dùng xe máy vào tận hẻm nhỏ để tặng sinh viên, người lao động đang tạm mất việc làm, khu cách ly, phong tỏa
Dùng tay quẹt nhanh lên trán để ngăn những giọt mồ hôi, anh Lưu Thành Tuấn chia sẻ, trước khi có dịch, anh bán hàng online, dịch bệnh ảnh hưởng xấu, anh rơi vào tình trạng thất nghiệp. Không buồn bã, hơn nửa tháng nay, anh quyết định kêu gọi bạn bè mua rau và tình nguyện làm “shipper không công”.
Hàng ngày, anh phân loại, chất lên chiếc xe và bắt đầu 5-6 tiếng di chuyển liên tục đến nơi cần. Một phần rau trao tặng, anh nhận lại một nụ cười cùng lời cám ơn, đó là món quà vô giá mà anh không bao giờ quên.
“Chiếc xe chở được bao nhiêu tôi chở bấy nhiêu, có nhiều bữa chất lên tới cả đầu xe, vì người ta cho lần 200kg, 300kg đến 1 tấn. Tôi đi được quận Bình Thủy, trong quận Ninh Kiều, nhiều nhất là các khu cách ly, vì nơi đó họ ra ngoài không được, tôi phải ưu tiên. Tôi thấy bà con vậy, bản thân mình thuận lợi thì giúp người ta thôi, không nghĩ tới được cái gì hết. Hy vọng bà con cô bác thấy được hành động của tôi, tiếp sức hoặc làm giống tôi để giúp bà con qua đại dịch này”, anh Tuấn bày tỏ.
Ở Cần Thơ, ngay từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên, câu chuyện làm từ thiện của anh Phạm Đỗ Minh Trung, phóng viên Tạp chí Gia đình Việt Nam, Văn phòng đại diện tại Cần Thơ đã quá quen thuộc với nhiều người. Hơn 2 năm, dịch có hay không, anh vẫn xông xáo trong các hoạt động thiện nguyện. Nhiều mạnh thường quân, nhiều tổ chức đoàn thể, đặc biệt là những mảnh đời khó khăn đã gọi anh với một tên gọi thân mật “ông Bụt”.


Hơn 2 năm nay, anh Phạm Đỗ Minh Trung là người vận chuyển đáng tin cậy của các nhà hảo tâm trên địa bàn Cần Thơ
Với trái tim nhân hậu rộng mở, đợt dịch thứ 4 này, anh Minh Trung lại là địa chỉ trao gửi quà của các nhà hảo tâm. Trên tài khoản Facebook, Zalo cá nhân của anh, không khi nào thiếu những lời kêu gọi hỗ trợ người khó khăn, lực lượng tuyến đầu. Hễ anh mở lời, chắc rằng sẽ có người ủng hộ từ rau, sữa, mì gói, tiền mặt, nước uống, thậm chí cả xe, nhiên liệu và anh luôn tự tay trao tặng đến địa điểm cần như: Trung tâm bảo trợ xã hội; các chốt kiểm soát dịch; người dân nghèo ở các bệnh viện; bệnh nhân lọc thận; sinh viên khó khăn không thể về quê…
Anh Phương Tấn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên TP. Cần Thơ đã nhận xét về “người anh” luôn đồng hành cùng lực lượng trẻ.


Anh Phạm Đỗ Minh Trung quyên góp, trao tận tay số tiền nhà hảo tâm gửi tặng một hoàn cảnh khó khăn, bán vé số lẻ
 “Trong thời gian qua, anh Trung tham gia rất là nhiệt tình trong các hoạt động của tuổi trẻ thành phố. Từ dịch năm rồi cho đến năm nay, có rất nhiều sự hỗ trợ kịp thời và đúng thời điểm tuổi trẻ cần. Anh có rất nhiều sáng kiến, cách làm hay, mô hình có thể ứng dụng ngay vào hoạt động thiện nguyện của thành phố”, anh Đạt nói.
Vào tháng 4/2020, đang trao quà từ thiện, anh Minh Trung không may bị đột quỵ, do bị viêm tụy cấp, rối loạn đông máu (nhiễm trùng huyết), viêm loét dạ dày. Nhờ sự chung tay góp sức của đồng nghiệp, người yêu thương mà anh vượt qua được bạo bệnh. Kể từ thời khắc thoát khỏi cái chết anh đã tâm niệm sẽ sống vì mọi người và chung tay hỗ trợ người khó khăn vượt qua nghịch cảnh, bởi “mạng sống thứ hai” của anh do chính xã hội trao tặng.


Hơn 1 tháng nay, chiếc xe chở nhu yếu phẩm của anh Phạm Đỗ Minh Trung đã mang lại nụ cười cho người khó khăn, người ở khu cách ly, phong tỏa
Anh Trung tâm sự, do gia đình cũng còn nhiều khó khăn, anh không thể giúp nhiều người, đành nhờ mạnh thường quân góp sức. Anh rất vui vì được sự tin tưởng và cố gắng hỗ trợ được nhiều phần quà đến bà con.
“Qua những hoạt động thường ngày thực tế thì không có mệt gì, nhưng mình lại rất vui vì đã đóng góp, giảm bớt được khó khăn cho bà con. Hàng ngày mình đi, tối về nhà nằm nghỉ ngơi, nhớ lại những hoàn cảnh, những câu chuyện mình thấy trong ngày thì lại thấy vui, có thêm động lực cho mình hoạt động nhiều hơn trong công tác thiện nguyện”, anh Trung kể.
Tình cảm của người dân Tây đô đôn hậu, chất phác là vậy, dù cho hay nhận cũng đều nhẹ nhàng, tự nhiên. Đôi khi lời cảm ơn chỉ là những nụ cười bị che khuất sau lớp khẩu trang, nhưng người tặng vẫn kịp cảm nhận qua ánh mắt ngời sáng niềm vui. Cứ thế nhiều ngày qua, người tặng trao cái tình, người nhận giữ cái nghĩa, hai chữ tình nghĩa cứ thế vẹn tròn, lan tỏa, tạo nên người Cần Thơ hào hiệp trong đại dịch Covid-19 “lạ lắm à nghen!”./.
Hồng Phương
 

Nguồn: Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam cập nhật ngày 17/08/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây