Tết đoàn viên / Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn. - H. : Thế giới, 2019. - 280tr. : Ảnh, tranh vẽ; 24cm

Chủ nhật - 29/11/2020 22:51 2.273 0
Tết đoàn viên / Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn. - H. : Thế giới, 2019. - 280tr. : Ảnh, tranh vẽ; 24cm
   Là một ấn phẩm xuân đẹp độc đáo với nhiều bài viết, tranh ảnh minh họa tràn ngập sắc màu tươi mới và hơi thở cuộc sống, quyển sách “Tết đoàn viên” do Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn sẽ đem đến cho người đọc sự trở về với những vẻ đẹp văn hóa trong cách thức đón mừng năm mới của người Việt.
   Sách do NXB Thế giới ấn hành năm 2019 với 280 trang, tập hợp những bài viết rất hay và vô cùng ý nghĩa về đề tài Tết Việt... Đó là các bài viết như: “Tết Nguyên đán - một di sản văn hóa dưới góc nhìn lễ hội” của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ; “Phong vị tết Hà Nội cũ” của nhà văn Trung Sỹ; “Về Kinh Bắc đón xuân cùng người quan họ” của nhà báo Vi Phong; “Hoài niệm đẹp về Tết Sài Gòn xưa” của nhà thơ Lê Minh Quốc; “Ăn Tết kiểu Huế” của nhà báo Minh Tự; “Ăn Tết với người Tây Nguyên” của nhà văn Văn Công Hùng; “Dư vị những giai phẩm xưa” của nhà báo Phạm Công Luận; “Đem văn hóa Tết đến với du khách nước ngoài” của nhà sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã; “Tản mạn chữ ngày Tết” của nhà thư pháp Nguyễn Quang Thắng; “Mùa xuân trong các ca khúc Việt” của nhà báo Hoàng Du; “Chơi Tết” của nhà văn Đỗ Phấn; “Chợ Tết” của nhà văn Uông Triều; “Hoa thơm đồng nội và hoa của tình người” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; “Tết quê trong miền nhớ” của nghệ nhân ẩm thực Đoàn Thu Thủy; “Hương vị Tết ông ngoại” của Hoàng Anh Tuấn; “Lì xì cho con bằng những trải nghiệm cuộc sống” của nhà báo Lam Linh; “Tết và những khát vọng thanh xuân” của nhà báo Hoàng Lý; “Ngày trở về” của nhà hoạt động xã hội Huỳnh Minh Thảo; “Tết là sum họp” của MC Thảo Vân; “Tiếng xuân giữa trùng khơi” của nhà báo Lữ Mai; “Người dọn rác” của nhà báo Thành Nguyễn; 
Qua các bài viết, bức tranh Tết đủ đầy phong vị của các vùng miền, của các không gian địa lí, của Tết nay, Tết xưa đã dược tái hiện lại. Bạn đọc sẽ được các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà báo, nhà văn, các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, các cây bút trẻ, MC, bác sĩ, công nhân... kể câu chuyện mùa xuân, chuyện Tết của riêng mình. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết trong bài Những bí mật của Tết: “Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày, nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vong thời gian tính theo năm mà như một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Và tôi thấy Tết chứa đựng trong đó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn”. Những bí mật của Tết mà tác giả đúc kết được đó chính là sự khơi mở tình yêu quê hương, sự kết nối với quá khứ, sự bền vững của gia đình, sự hàn gắn và niềm hy vọng. Bởi theo ông: “Cuộc sống có biết bao thăng trầm, trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn… Cũng trong dịp năm mới, mỗi người đều nhận được những lời chúc tốt đẹp nhiều nhất trong một năm. Cho dù thế nào thì những lời chúc ấy cũng làm lòng người ấm lại và hy vọng vào một điều tốt đẹp phía trước”
Đọc quyển sách, chúng ta còn biết rằng ngày nay Tết còn có một giá trị mới trở thành nét đẹp văn hóa, đó là “Tết trồng cây” với tinh thần bảo vệ sinh thái và môi trường sống. Đặc biệt, tiếp nối truyền thống bảo vệ bờ cõi của cha ông xưa, chúng ta còn có Tết hướng về đảo xa, với những chuyến tàu từ đất liền “chở tình yêu ra đảo” sum họp cùng những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, cùng nhau canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Tết đoàn viên” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại: 394.261409597 / T258Đ
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.018532
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.022580

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây