Con đường máu lửa - về đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh / Nguyễn Thị Suý, Lê Ngọc Tú thực hiện. - H. : Lao động, 2007. - 530tr.; 27cm

Thứ bảy - 14/09/2019 10:16 2.665 0
Con đường máu lửa - về đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh / Nguyễn Thị Suý, Lê Ngọc Tú thực hiện. - H. : Lao động, 2007. - 530tr.; 27cm
Có một con đường đã đi thẳng vào lịch sử dân tộc bởi sự vĩ đại và bất tử của nó, đó chính là đường mòn Hồ Chí Minh. Không thể biết chính xác bao nhiêu ngàn tấn bom đạn của kẻ thù đã trút xuống, bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu người con của Tổ quốc đã ngã xuống để bảo vệ con đường chiến lược ấy, con đường dẫn tới sự toàn vẹn đất nước sau cả quãng thời gian dài đằng đẵng bị chia cắt.
Quyển sách “Con đường máu lửa - Về đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh” do Nguyễn Thị Súy và Lê Ngọc Tú biên soạn, Nxb. Lao Động ấn hành năm 2007 sẽ mang tới cho bạn đọc cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa chi tiết về con đường nổi tiếng nhất trong các con đường: đường mòn Hồ Chí Minh, con đường máu lửa của một thời bão lữa, qua góc nhìn của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu trên thế giới.
Sách có độ dày 530 trang với bố cục 5 phần.
Trong phần 1 quyển sách, đường mòn Hồ Chí Minh trên Trường Sơn được khẳng định chính là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam và làm sáng rõ thêm lịch sử Việt Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là một con đường tiếp tế. Nó còn là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam: “Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay là tổng kết của hành thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó tượng trưng cho sức chiến đấu của cả dân tộc chứ không phải vì những đoạn đường cụ thể, vì những dốc đèo thẳng đứng hay vì rừng núi rậm rạp hoặc những vùng đồng bằng mà nó đã băng qua” (Van Geirt - “Đường mòn Hồ Chí Minh”).
Phần 2 lý giải sự leo thang chiến tranh - được xem là để ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam của Mỹ. Trích quyển “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”: Để bào chữa cho những âm mưu và hành động tăng cường mở rộng chiến tranh xâm lược, chính quyền Mĩ đã cho công bố “Sách Trắng”, đưa ra những con số thâm nhập rất cụ thể và chi tiết. I. F. Stone, nhà văn Mỹ và tác giả Jhecdone Drager đã lên án sự không trung thực của các số liệu nêu trong “Sách Trắng”. Hay tác giả Robet Thompson trong quyển sách “Không có lối ra ở Việt Nam” đã nêu lên những nhân tố và lý do để Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc Việt Nam,…
Phần 3 trình bày những âm mưu, thủ đoạn đánh phá và xâm lược tàn bạo nhất đã được Mỹ đem ra sử dụng như: Việc sử dụng lực lượng của công ty hàng không Mỹ; Kế hoạch chi tiết của Bộ Quốc phòng Mỹ cho các hoạt động chiến tranh phá hoại, bằng không quân chống miền Bắc Việt Nam; Đánh phá bằng chiến tranh gián điệp; Sự kiện Vịnh Bắc Bộ;…
Phần 4 đánh giá hiệu quả của việc đánh phá và ý đồ ngăn chặn chi viện của Mỹ qua kết quả số liệu từ các cuộc ném bom vào đường Trường Sơn như: Chiến dịch Sấm Rền; Ném bom bừa bãi khu phi quân sự giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam, Chiến dịch ném bom ngăn chặn hè 1968,... Tuy nhiên, các cuộc ném bom không đạt được kết quả như mong đợi và càng làm tăng thêm quyết tâm của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh.
Phần 5 là những đánh giá của dư luận quốc tế về hành động tàn bạo của Mỹ và ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân ta trên con đường huyền thoại. Qua việc đi sâu nghiên cứu hệ thống tổ chức vận chuyển và sửa chữa của ta trên tuyến đường, tác giả quyển “Chiến lược sống còn của Bắc Việt Nam” khẳng định: “Tinh thần quyết thắng của nhân dân ta là một trong những nguyên nhân quan trọng làm thất bại mọi ý đồ của Mỹ”. Còn qua câu chuyện về cuộc sống, chiến đấu của một chiến sĩ trẻ bảo vệ cầu Hàm Rồng, tác giả J. Despuech đã khẳng định rằng kỳ tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trên tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến của mỗi người dân Việt Nam
Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng viết: “Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng, đó là con đường nối liền Nam- Bắc thống nhất nước nhà. Đó cũng là con đường đoàn kết của dân tộc 3 nước Đông Dương, đường Trường Sơn nhất định sẽ kéo dài và mở rộng, chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó cho đến thắng lợi hoàn toàn…”. Giờ đây, gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, tuyến xa lộ Trường Sơn giờ đang đóng vai trò trục dọc thứ hai đảm bảo vận tải Bắc - Nam liên tục, tiến đến hòa mạng với hệ thống đường Xuyên Á nhưng vẫn giữ trong mình đậm chất huyền thoại.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách “Con đường máu lửa - Về đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh” tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 959.7043/C430Đ
- DL.8390
* Phòng Mượn:
- 959.7043/C430Đ
- MG.4645

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây