Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967 trên cơ sở Tuyên bố Băng Cốc, với 5 nước thành viên ban đầu là Inđônêxia, Malaixia, Philípin, Xingapo và Thái Lan. Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên chính phủ với 10 quốc gia thành viên (thêm 5 nước là Brunây, Campuchia, Lào, Mianma, và Việt Nam), là một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong các chiến lược hợp tác khu vực của các nước lớn trên thế giới.
Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập với ba trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) và Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của ASEAN khi mức độ hợp tác trong ASEAN sẽ sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác bên ngoài. Phát triển kinh tế, chính trị nhưng vẫn luôn coi trọng việc giữ gìn bản sắc riêng, giá trị riêng của mỗi quốc gia thành viên cũng như cả Cộng đồng, “hòa nhập mà không hòa tan”.
Nhằm đem đến cho bạn đọc cái nhìn và sự hiểu biết sâu sắc hơn về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) của ASEAN, cũng như sự phát triển của ASCC tới năm 2025, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản quyển sách “Cộng đồng văn hoá - xã hội Asean: Tầm nhìn tới năm 2025” của TS. Luận Thùy Dương, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế. Sách dày 215 trang, nội dung gồm 3 chương:
Chương 1 và chương 2 giới thiệu quá trình hình thành và phát triển Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASEAN, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và tầm nhìn tới năm 2025. Cho thấy, bên cạnh hai trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) và Kinh tế (AEC), thì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) của ASEAN cũng mang sứ mệnh cao cả và tầm quan trọng không kém. Nhiệm vụ cơ bản của ASCC là phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ nhằm mục tiêu xây dựng một Cộng đồng mà người dân làm trung tâm, đạt được mối quan hệ đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc trong ASEAN và tiến tới tạo dựng một bản sắc chung, một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở với mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.
Chương 3 viết về sự tham gia tích cực của Việt Nam vào Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và những khuyến nghị nhằm nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong Cộng đồng tới năm 2025. Sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tham gia vào mọi hoạt động hợp tác của ASEAN nói chung, cũng như hợp tác về văn hóa - xã hội nói riêng tiếp tục góp phần vào việc xây dựng một ASEAN đoàn kết, năng động, thịnh vượng.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Cộng đồng văn hoá - xã hội Asean: Tầm nhìn tới năm 2025” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
- Ký hiệu phân loại: 306.0959 / C455Đ
- PHÒNG ĐỌC: DV.055214
- PHÒNG MƯỢN: MA.019736; MA.019737