Văn hoá gia đình trong xã hội đương đại / Bùi Quang Thanh, Từ Thị Loan, Phạm Ngọc Trung.... - H. : Văn hoá dân tộc, 2019. - 467tr. : Hình vẽ, bảng; 21cm

Thứ hai - 31/05/2021 05:28 1.937 0
Văn hoá gia đình trong xã hội đương đại / Bùi Quang Thanh, Từ Thị Loan, Phạm Ngọc Trung.... - H. : Văn hoá dân tộc, 2019. - 467tr. : Hình vẽ, bảng; 21cm
Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Để gia đình tồn tại và phát triển bền vững, văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng. Gia phong, nếp nhà, truyền thống gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử, đạo đức lối sống của mỗi con người, giúp học trở thành những công dân tốt của đất nước.

Quyển sách “Văn hoá gia đình trong xã hội đương đại” do Nxb. Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2019, tập hợp các bài viết, những ý kiến, suy ngẫm, giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa gia đình trong xã hội đương đại, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” như chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đề ra.

Sách dày 467 trang, nội dung gồm 3 phần:
Phần 1 “Những vấn đề lý luận về văn hóa gia đình, hệ giá trị văn hóa gia đình trong xã hội đương đại” góp phần làm rõ hơn những vấn đề cơ sở lý luận, các quan điểm học thuật về văn hóa gia đình và xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, qua các bài viết như: “Từ gia phong trong gia đình thời phong kiến (trước năm 1945) đến gia đình người Việt đương đại” của GS.TS Bùi Quang Thạnh; “Văn hóa gia đình: kế thừa và biến đổi các giá trị trong bối cảnh đương đại” của PGS.TS. Từ Thị Loan; “Văn hóa gia đình và vấn đề giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình cho thế hệ trẻ” của GS.TS. Lê Thị Quý; “Văn hóa đại chúng và văn hóa gia đình” của PGS.TS. Mai Quỳnh Nam; “Bàn về tính lưỡng diện của văn hóa gia đình trong đời sống xã hội hiện nay” của PGS.TS Lê Quý Đức; “Xung đột giá trị trong văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay” của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến;…

Phần 2 “Nhận diện những biến đổi của văn hóa gia đình, hệ giá trị văn hóa gia đình trong bối cảnh mới” với các bài viết như: “Sự biến đổi văn hóa gia đình trong bối cảnh kinh tế thị trường” của ThS. Hà Thị Phước; “Bình đẳng giới và những tác động đến sự biến đổi của gia đình hiện nay” của NGƯT. Nguyễn Hồng Mai; “Thực trạng đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và các khu công nghiệp” của ThS. Nguyễn Thị Hiền; “Ứng xử giữa cha mẹ và con cái trong gia đình nông dân vùng đô thị hóa” của PGS.TS. Trần Đức Ngôn;… đi sâu nhận diện, đánh giá thực trạng biến đổi văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay trước tác động của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, lý giải nguyên nhân của sự biến đổi và phân tích những vấn đề đặt ra.

Phần 3 “Một số định hướng về xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong xã hội đương đại” tập trung trình bày các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội Việt Nam đương đại, làm sao để gia đình Việt Nam vừa phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ hiện đại và hội nhập. Một số bài viết tiêu biểu như: “Những định hướng cơ bản xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” của GS.TS. Đặng Cảnh Khanh; “Xây dựng văn hóa đạo đức gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của TS. Vũ Thị Huệ; “Định hướng hoạt động vui chơi giải trí trong gia đình góp phần hoàn thiện nhân cách trẻ em” của ThS. Vũ Thị Minh Phượng; “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình” của GS. Nguyễn Lân Dũng; “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp” của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Đọc sách, bạn đọc sẽ có được một cái nhìn tổng quan về văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay. Đó là: Rất nhiều gia đình Việt Nam đang tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình thời hiện đại để gia đình thực sự trở thành tổ ấm, bến đỗ bình yên của mỗi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước tác động nhiều chiều, phức tạp, dẫn tới những đổi thay nhanh chóng về cấu trúc, quy mô và chức năng. Việc xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đang đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Những biểu hiện tiêu cực như ngoại tình, ly hôn, ly thân, con cái hư hỏng, người già không được quan tâm chăm sóc, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em... có chiều hướng gia tăng. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng văn hóa gia đình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quyển sách “Văn hoá gia đình trong xã hội đương đại” sẽ phần nào đưa ra những nhận thức mới, những ý tưởng hay, gợi mở những hành động thiết thực góp phần xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 306.8509597 / V115H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.057907;
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.022252; MA.022253

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây