Câu chuyện cải lương thật và đẹp / Hugo Frey, Suzanne Joinson; Lục Phạm Quỳnh Nhi biên dịch. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 85tr.; 22cm

Thứ ba - 16/06/2020 03:24 1.797 0
Câu chuyện cải lương thật và đẹp / Hugo Frey, Suzanne Joinson; Lục Phạm Quỳnh Nhi biên dịch. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 85tr.; 22cm
“Câu chuyện cải lương thật và đẹp” là quyển sách của hai tác giả là hai nghiên cứu viên lịch sử truyền khẩu từ Hội đồng Anh là Hugo Frey và Suzanne Joinson. Sách do Lục Phạm Quỳnh Nhi biên dịch, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019. 
Qua 85 trang, sách ghi lại những kỷ niệm và ký ức về nghệ thuật cải lương Việt Nam qua ký ức của những diễn viên, tác giả, đạo diễn và những người làm các công việc hỗ trợ nghệ thuật cải lương Việt Nam. Đó là những nhân vật tiêu biểu như: Diễn viên, Đạo diễn Thành Lộc; Giám đốc Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang - Trần Ngọc Giàu; Diễn viên, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang - Lê Thiện; Giảng viên, nhạc công cải lương - Văn Môn; Diễn viên, Đạo diễn, Nhà sản xuất Kim Tử Long; Diễn viên sân khấu cải lương Trinh Trinh; Diễn viên sân khấu cải lương, cựu Ban Chấp hành của Ban Ái Hữu Nghệ sĩ - Nam Hùng; Đạo diễn và soạn giả cải lương, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai - Đồng Thị Quế Anh; Hậu duệ gia tộc Tuồng cổ Minh Tơ, Diễn viên Tú Sương; Diễn viên sân khấu kịch nói, nguyên Trưởng đoàn Kim Cương - Kim Cương; Diễn viên Vũ Luân; Diễn viên Phương Hồng Thủy; Nhà văn, đạo diễn sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc; Soạn giả Hoàng Song Việt; .... mỗi người chia sẻ một ký ức đã dệt nên bức tranh về Cải lương thật sinh động nhiều màu sắc, đồng thời gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về sự cần thiết phải bảo tồn một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
Riêng nói về yếu tố cốt lõi để cải lương sống được trong lòng công chúng, nhà nghiên cứu cải lương, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Đại học sân khấu - Điện ảnh Lê Xuân Hiểu kể rằng: “Thầy Năm Châu đã dạy: Thật rồi mới tới Đẹp, khi diễn vở xã hội phải thật, sang vai cổ có cách điệu, những phải thật... Ông cũng nhận định: “Theo tôi, thế hệ đầu diễn Thật, sang thế hệ kế thêm diễn Đẹp (thời Thanh Nga, Thành Được), tiếc là sau này chỉ cần có giọng ca, nhiều diễn viên bị diễn sai. Ngày xưa làm nghề theo triết lý Phật giáo nên mới có câu “Diễn mà như không diễn”. Thầy Ba Vân dạy ra sân khấu phải “hớp hồn khán giả” chớ không chỉ cho họ đã mắt, đã tai. Trên cơ sở Âm, Dương, Ngũ hành, bạn cần phân ra năm trạng thái cảm xúc, phối hợp quá trình “Ý - Khí - Thần” Stanislavski cho là Cảm Thụ - Phán Đoán - Hành Động vẫn có thể bị diễn giả. Từ ý, ta điều khiển dòng khí đi khắp cơ thể, rồi dùng thần thể hiện ra. Ví dụ, muốn diễn cảnh vui thì hãy di chuyển năng lượng đến tim. Tôi dùng cách này giúp mọi diễn viên “lấy” được cảm xúc trong họ ra, như vậy nét diễn mới thật”. Đó thật sự là những chia sẻ quý báu để các thế hệ diễn viên trẻ sau này học tập và vận dụng vào nghiệp diễn của mình.

Với những ký ức và chia sẻ chân tình của những người từng gắn bó với nghệ thuật cải lương, quyển sách “Câu chuyện cải lương thật và đẹp” sẽ đem đến nhiều cảm xúc cho bạn đọc. Bởi lẽ, nói như nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc thì: “Cải lương đã được ra đời xuất phát từ lòng yêu nước của những người phương Nam muốn nước nhà có một nền nghệ thuật biểu diễn riêng, Cải Lương cũng khởi dựa vào Đờn ca tài tử, phóng khoáng như vùng đất mới trượng nghĩa, xem nhẹ lợi danh này, để ta có được một nghệ thuật giữa những Chân tình cùng những điều Thiện và Cái Đẹp, đi thẳng từ trái tim đến trái tim nhau”.  
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 792.509597 / C125CH
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010034; MG.010035

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây