Bản Sắc Văn Hoá Người Việt : Chuyên Luận / Lã Duy Lan. - H. : Công An Nhân Dân, 2021. - 239tr.; 21cm

Thứ sáu - 30/12/2022 04:09 1.129 0
Bản Sắc Văn Hoá Người Việt : Chuyên Luận / Lã Duy Lan. - H. : Công An Nhân Dân, 2021. - 239tr.; 21cm
Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, làm cho dân tộc này không thể lẫn với dân tộc khác. Để hiểu đúng, hiểu rõ bản chất văn hóa của một dân tộc, theo TS. Lã Duy Lan, tác giả quyển “Bản Sắc Văn Hoá Người Việt” là cần tìm hiểu, làm sáng tỏ một vấn đề cốt lõi đó là: từ những điều kiện cụ thể nào của dân tộc mà trên cơ sở đó, nền văn hóa đã phát sinh, phát triển. Nói cách khác, phải tìm hiểu mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên mà họ đã và đang sinh sống, rồi tư đó, biểu hiện ra các giá trị văn hóa cụ thể ra sao.

Từ quan điểm trên, tác giả đã trình bày nội dung được bố cục 4 chương gồm:

    Chương 1 và chương 2 trình bày đặc điểm môi trường sinh thái - nhân văn và sự hình thành nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Nghiên cứu bản sắc văn hóa người Việt thể hiện trong phong tục tập quán - tín ngưỡng liên quan đến các sự kiện diễn ra trong vòng đời của cá nhân và trong lao động, sản xuất.

Chương 3 viết về các vị thần được tôn thờ và sự hình thành các lễ tiết, lễ hội của người Việt như: thờ đá, thờ cây, thờ các hiện tượng tự nhiên và thời sinh thực khí. Đặc biệt là thờ cúng các vị Liệt tổ, Liệt tông của dân tộc ban đầu dưới hình thức  “thờ cúng ông bà, tổ tiên” (như Phục Hy, Đế Viêm, Thần Nông, Kinh Dương Vương, các Vua Hùng. Tiếp nữa còn thờ cúng các nhân thần là các anh hùng cứu quốc, anh hùng văn hóa, cùng nhiều danh tướng, nhiều nhân vật lịch sử và các vị khai sơn phá thạch, các vi tổ nghề nghiệp mới v.v…

Chương 4,  nghiên cứu bản sắc văn hóa người Việt thể hiện trong các lễ tiết và lễ hội dân gian cổ truyền. Cho thấy, bản sắc văn hóa thể hiện rõ từ tâm thức dân gian về đất và nước và về quê hương đất nước thể hiện rõ trong các lễ hạ điền, thượng điền và cơm mới có nguồn gốc từ thời vua Thần nông. Tác giả cũng đề cập đến các hiện vật thường gặp trong các đình đền, như trống, chiêng, cờ, kiệu, rồng… cùng cách thức bài trí, sử dụng, ý nghĩa, vai trò của chúng trong lễ hội.

Cuối quyển sách là các phụ lục: Truyền thuyết “Vua Hùng chọn đất đất đô”; Người Việt với mối quan hệ với đất, với nước và các trò chơi liên quan đến sông nước và rên cạn; Nguồn gốc ý nghĩa câu ca dao “Con cóc là cậu ông trời”, Việc thờ cúng mười hai bà mụ…

Các bạn hãy tìm đọc quyển “Bản Sắc Văn Hoá Người Việt” để hiểu hơn về văn hóa dân tộc, ghi nhớ công ơn của các thế hệ tiền nhân, góp phần phát huy những giá trị truyền thống thống tốt đẹp để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vì sự phát triển bền vững của dân tộc.

Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 390.09597 / B105S
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.026132; MA.026133
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061278

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây