Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ / Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh. - H. : Khoa học xã hội, 2015. - 398tr. : Ảnh; 21cm

Chủ nhật - 06/11/2022 21:37 2.159 0
Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ / Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh. - H. : Khoa học xã hội, 2015. - 398tr. : Ảnh; 21cm
Người Khmer Nam bộ là một bộ phận không thể tách rời của vùng đất mới Nam bộ. Người Khmer Nam bộ bên cạnh đặc điểm tương đồng với văn hóa truyền thống của người Khmer Campuchia, thì còn có những nét văn hóa dị biệt rõ rệt khi thể hiện văn hóa của mình ở Nam bộ trong quá trình lập phum, sóc và xây dựng gia đình, chùa chiền… Ở đây, đồng bào Khmer Nam bộ nhanh chóng thể hiện được sự chủ động trong việc hòa nhập văn hóa nhờ vào văn hóa bản địa độc đáo và giàu tính linh hoạt, cởi mở. Trong giao lưu, tiếp biến văn hóa họ vẫn thể hiện được sắc thái văn hóa riêng của tộc người mình bên cạnh các sắc thái Kinh, Hoa, Chăm… trong cùng một địa bàn cư trú. Đó là sức sống mãnh liệt và tinh thần Khmer hóa cao độ từ ngôn ngữ, trang phục, văn học, chùa chiền, lễ hội trong vùng văn hóa mà họ cư trú.

Quyển sách “Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ” do Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh biên soạn, Nxb. Khoa học xã hội xuất bản năm 2015 sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu biết về văn hóa của người Khmer Nam bộ. Sách dày 398 trang, nội dung gồm 3 chương chính: 

Chương 1 trình bày khái quát về người Khmer Nam bộ và văn hóa truyền thống (dân gian) của người Khmer Nam bộ.

Chương 2 trình bày tổng quát về lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ. Trong đó, các lễ hội như Ok -Oom -Bok, Sel Đol ta, lễ vào năm mới (Bon Chol Chhnâm Thmey), lễ hội Phước biển, lễ hội cầu an, lễ hội Đạp Cồng - Thác Côn, lễ hội Đua bò, lễ cúng Neak tà xưa và nay... được nghiên cứu và trình bày với góc nhìn văn hóa dân gian.

Chương 3 nêu bật những giá trị cần gìn giữ của lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ. Đó là các hệ thống nghi lễ truyền thống xuất phát từ tín ngưỡng dân gian, các nghi thức liên quan trực tiếp đến Phật giáo Nam tông, những giá trị văn học dân gian...

Sách cũng nêu nhận định: “Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ đã thể hiện những nét văn hóa riêng của chính họ. Mặc dù trong đời sống cộng cư có những giao lưu, tiếp biến nhưng các giá trị văn hóa tộc người vẫn luôn được giữ gìn và bảo tồn theo cách riêng của người Khmer ở vùng đất này.

Với môi trường văn hóa xã hội đang trên đà phát triển, quá trình du nhập của các loại văn hóa ngoại lai hay chính những mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường sẽ có những tác động rraats lớn đến lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ. Nhất là những sự tác động theo chiều hướng triệt tiêu văn hóa bản địa. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, việc giữ gìn và phát huy những lễ hội này không chỉ đòi hỏi những nhà nghiên cứu, những nhà làm văn hóa luôn luôn phải quan tâm dài lâu, chiến lược, mà quan trọng hơn cả là bản thân người Khmer phải thấy được vai trò, nhiệm vụ thiêng liêng của mình trong việc giữ gìn những giá trị cơ bản của lễ hội này. Dưới góc nhìn đó, bằng chính vốn văn hóa giàu bản sắc của mình, người Khmer Nam bộ sẽ giữ gìn được những lễ hội này khi được thực hiện nghiêm túc, đúng với những giá trị truyền thống.”

Cuối quyển sách là phụ lục với các nội dung như: các bài cúng có liên quan đến lễ hội, các truyện cổ sưu tầm có liên quan trực tiếp đến lễ hội của người Khmer Nam bộ, một số hình ảnh có liên quan đến lễ hội và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. 

Trân trọng giới thiệu quyển sách “Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ” đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 394.2695977 / L250H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.050161

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây